VTV mất bản quyền Hoa hậu Thế giới: Kẻ trộm... đắc lợi?

Với việc VTV không được phát sóng trực tiếp Chung kết Hoa hậu Thế giới 2008, hàng triệu khán giả đã phải thất vọng và chuyện ngược đời về vấn đề bản quyền truyền hình ở VN đã xảy ra: Kẻ cắp không bị phạt mà người mất trộm lại bị tước quyền!

Qua báo chí, VTV gọi "đây là sự cố đáng tiếc và ngoài tầm kiểm soát của Đài Truyền hình Việt Nam". Bà Thanh Hạnh, biên tập viên VTV3, người được công ty RAAS (đơn vị cung cấp bản quyền phát sóng cho VTV) ủy quyền việc xúc tiến kế hoạch phát sóng 3 đêm thi Hoa hậu thời trang, Hoa hậu bãi biển và đêm chung kết trao giải Hoa hậu Thế giới 2008 giữa RAAS và Trung tâm quảng cáo dịch vụ đài truyền hình Việt Nam (TVAd) nói trên Dân Trí (13/12):
"Sở dĩ, VTV3 không được quyền phát sóng đêm chung kết Hoa hậu Thế giới 2008 đêm nay 13/12, là vì Tổ chức Hoa hậu Thế giới cho rằng, một số website đã thu lại hai phần thi Hoa hậu Thời trang và Hoa hậu Biển để phát trực tuyến. Tổ chức này coi đây là hành động vi phạm bản quyền và quyết định ngừng cung cấp sóng cho RAAS".
Khán giả... hụt hẫng!

Lý do VTV mất bản quyền được đưa ra chỉ vài giờ trước thời điểm đêm Chung kết diễn ra khiến không ít người giật mình, vì nó gấp gáp quá và vì nguyên do giống như... chuyện thường ngày ở huyện quá! Chỉ khác là lần này, sự vi phạm bản quyền trên không gian "ảo" đã dẫn tới hậu quả thật, thấy rõ.
Khán giả VN đã không được theo dõi truyền hình trực tiếp Hoa hậu Thế giới 2008 từ Nam Phi, đại diện của VN là Dương Trương Thiên Lý không có cơ hội nở nụ cười với khán giả quê nhà, số tiền thu được về nhờ quảng cáo bằng "không" cũng đồng nghĩa với việc không có đồng nào góp vào quỹ ủng hộ người nghèo. Tệ hại nữa là lại thêm một lần cái nhìn từ bên ngoài với chuyện tuân thủ bản quyền ở VN trở nên không tốt đẹp gì.
Các website, điển hình là Vietnamitv.com, sau đó có VTC.com.vn, PDA.vn, Clip.vn được VTV nêu tên ở bài viết trên "trang nhà" (Vtv.vn), trong trường hợp này chính là những người đóng "vai ác". Họ đã sử dụng những bản ghi hình của hai phần thi nhưng họ... đứng ngoài cuộc. Theo VTV thì họ là hệ lụy khiến VTV bị mất bản quyền; nghĩa là, kẻ mất trộm thì bị phạt còn kẻ trộm đồ lại thành "ngư ông đắc lợi", quýt gây hậu quả nhưng cam phải chịu!
Chuyện "ngược đời" đó sẽ khiến nảy sinh một số câu hỏi: Tổ chức Hoa hậu Thế giới rút bản quyền theo cách đó thì có ổn không? Với tình trạng vi phạm bản quyền rất phổ biến - không chỉ trong lĩnh vực truyền hình - ở VN, thì quyết định đó có hợp lý?
Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu một ai đó muốn hại VTV hay một đối tác nào đó giành được bản quyền trong những sự kiện lớn, họ chỉ cần "mang tạm về dùng" sản phẩm của người khác như thế thì hóa ra là... dễ dàng quá?!
Đây không phải lần đầu tiên VTV có quyền phát sóng trực tiếp sự kiện chung kết Hoa hậu Thế giới, có chắc rằng những năm trước không xảy ra tình trạng thương tự? Sao năm nay Tổ chức Hoa hậu Thế giới, với đối tác trực tiếp có bản quyền phát sóng ở VN là công ty RASS của ông Hoàng Kiều (mang tặng không cho VTV), lại "mạnh tay" như vậy? Hợp đồng ủy quyền giữa các bên liệu đã chặt chẽ?
Còn nhớ, hai năm trước, tại cuộc thi Miss World 2006 diễn ra tại Trung Quốc, Đài Truyền hình Việt Nam từng thông báo rộng rãi: Đài Truyền hình kĩ thuật số VTC đã có hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng khi tự ý thu sóng từ kênh Star World và phát chương trình Hoa hậu Thế giới 2006 trên kênh VTC1 vào trưa ngày 1/10, trong khi VTV đã phải bỏ tiền mua bản quyền phát sóng độc quyền chương trình và dự kiến tường thuật vòng Chung kết cuộc thi này vào tối ngày 1/10.
Đó từng là một câu chuyện tranh chấp về bản quyền khá nóng bỏng, và xét ra, nó cũng trực diện đâu kém sự vi phạm bản quyền phát sóng Hoa hậu Thế giới 2008 vừa diễn ra (một bên là không có bản quyền nhưng vẫn phát trên sóng truyền hình, một bên là phát trên Internet). Vậy mà, năm 2006 đó, khán giả toàn VN, qua VTV3, vẫn được chứng kiến gương mặt đại diện của nước nhà là Hoa hậu Mai Phương Thúy đã lọt "top 16" như thế nào.
Thời điểm đó, phía TVAd (của VTV) đã có ý kiến trực tiếp với đối tác mua bản quyền là công ty TV Plus, về sự việc này. Còn nay, cả RAAS và cả Đài Truyền hình Việt Nam đã có cảnh báo đối với đại diện của trang web "xài chùa" nhưng đến ngày 12/12/2008, sự việc vi phạm vẫn tái diễn.
Bản quyền: Phép vua vẫn thua lệ làng?