Tác phẩm : Người Việt từ nhà ra đường
Tác giả : Cố nhà văn Băng Sơn
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

" Người Việt từ nhà ra đường " là tuyển tập những bài viết nhỏ về những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa đời thường, văn hóa ứng xử hiện nay.

Những câu chuyện nhỏ, nói về những điều khó coi tưởng chừng cũng nhỏ nhặt, nhưng nó lại đang gây ra không ít những bức xúc, nhất là với những ai luôn yêu quý và muốn gìn giữ nét đẹp phong tục, văn hóa sống của người Việt.


Những bài viết rất ngắn, nhưng chạm vào nhiều bức xúc của cuộc sống, từ chuyện nhỏ nhặt như ăn, mặc, tặng quà, đến những vấn đề có tính xã hội như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng… Nhưng tác giả không sa vào kể lể, mà điểm xuyết chi tiết và khái quát nâng tầm thông điệp, giúp người đọc có cái nhìn bản chất.

Nhà văn Băng Sơn đã viết, " Người Việt Nam, ra đường phẳng phiu ngay ngắn, nói năng thanh lịch, ăn ở đường hoàng, rộng lòng khoan dung, sẵn sàng chia sẻ, ngày ngày dạy con cháu giữ gìn gia phong quốc pháp...".
Đó là những nét đẹp của dân tộc, của người Việt. Với những trăn trở, chiêm nghiệm trong cuốn sách này, nhà văn Băng Sơn đã góp phần gìn giữ và thổi cho những nét đẹp ấy có sức sống trong cuộc sống ngày thường của mỗi chúng ta.

Đôi nét về cố nhà văn Băng Sơn :

Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/ 1932, mất ngày 3/9/2010. Ông là tác giả của nhiều tập sách như :Thú ăn chơi người Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôi, Đường vào Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường...

Từng nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam...

Ở tuổi 79, nhà văn Băng Sơn đã vĩnh viễn chia tay Hà Nội của ông vào sáng 3/9/2010 sau một thời gian lâm bệnh.

Gia đình kể, trước khi mất ông có lúc nghĩ tới việc dặn con cháu hỏa táng rồi rắc tro xuống sông Hồng. Để tiết kiệm đất cho người sống - ông bảo thế - và cũng để hồn mình được siêu thoát mát mẻ bình yên. Vậy là, tới khi đi hết cuộc đời, ông vẫn khao khát được hòa mình vào với đất đai, sông nước Thủ đô - nơi ông đã gắn bó máu thịt cả trong cuộc đời và trong những trang tùy bút.