PDA

View Full Version : Tuyển tập truyện ngắn dưới 1200 chữ



shevchenbe90
22-06-2007, 12:21 AM
Box này chưa bao giờ SCB tham gia, nay xin đóng góp 1 topic.
Gọi là tuyển tập nhưng mỗi ngày chỉ post 1 truyện, lý do đơn giản vì muốn topic tồn tại lâu dài + post cả lên người ta ngại đọc.OK.

Tin ở hoa hồng

Quán nhỏ lọt thỏm giữa không gian ồn ã của những tòa cao ốc đang xây dựng dang dở. Chủ quán là đôi vợ chồng trẻ, dân nghệ thuật “chính hãng”, vun vén một không gian khá kén khách, giấu những ý nghĩ lạ lẫm đằng sau mảng tường màu loang lổ...

Ngay cả cái cách chọn khăn ren gam màu tối để trải bàn, chút hoa khô chật vật chen chúc trong bát cắm và thứ thức uống tê ran đầu lưỡi được quảng cáo là “đến từ Alaska” (không biết thiệt hay “dỏm”) kích thích mạnh mẽ đối với những tâm hồn hoang dã phóng khoáng.

Chiều ý đôi bạn trẻ hình như đang trong thời gian... tìm hiểu, chủ quán play đĩa nhạc Quang Dũng, mến tặng khách quen bản Còn ta với nồng nàn.

Chị và cậu thường không hẹn mà gặp nhau ở đây. Quán nhỏ. Đầy ngẫu hứng. Khỏi chen chúc. Thích hợp với những câu chuyện tình dang dở. Chị đùa thế. Cậu cười lạc quan, tránh ánh nhìn của chị. Những câu chuyện không đầu không cuối. Gặp gỡ phù phiếm và chia tay.

Cậu xưng tôi - An, dù kém chị 2 tuổi. Chị đáp lễ bằng cặp đại từ kiêu hãnh: chị - cậu. Thế còn đỡ. Trong những câu chuyện với mấy đứa bạn thân chị thường gọi cậu là... “thằng bé”. Chuyện về “thằng bé” tự bao giờ choán hết tâm trí, tràn vào những mẩu - dưa - lê buôn bán qua điện thoại hằng ngày. Bạn bè xì xồ khi thấy cặp đôi hình như không - cân - xứng “dan díu” với nhau. Đứa “lương thiện” bảo gái hơn hai, trai hơn một. Miễn thiệt bụng là “ok”. Đứa “độc mồm” thì hằn học. Gớm, trâu già lại thích cỏ non. Hay định cưa sừng làm nghé. Chị nhăn nhó đến khổ sở. Được rồi, bà cô. Xin tiếp thu. Với lại, đã đâu vào đâu...

Cậu học sau chị hai khóa. Đen nhẻm, duyên kinh khủng. “Thần tượng” nhau từ hồi tập văn nghệ ở trường. Dân nghệ thuật nó thế. Đụng đâu ưa đó. Chả trách đứa nào đứa nấy sở hữu danh sách “đống” bồ cũ dài dằng dặc. Những cuộc tình chóng vánh, lăng nhăng đúng kiểu xứ Hàn, nhưng chưa từng kết thúc có hậu. Có lẽ cũng do họ là dân nghệ thuật. Mà nghệ thuật là sáng tạo. Trung thành với những ý tưởng cũ thì chỉ có tự đào thải mình ra khỏi cộng đồng những cái đầu “thiên hô vạn biến”.

Lâu thật lâu ở quán nhỏ. Chị giấu hai tay lui cui dưới gầm bàn. Ngón cái run run bấm, chọn rồi lại xóa. Lâu thật lâu nữa, tin nhắn đến tay người nhận. “Chi dien mat rui. Cang ngay chi cang nho cau nhieu hon”. Tin nhắn hồi âm ngay tắp lự. “An dung dua vay. Tinh cam ko phai thu jon choi”. Chị bật cười vì cái cách “giao lưu” ngồ ngộ và trẻ con của hai đứa. Rồi tỏ vẻ rộng lượng. “U. Tinh cam ko phai thu jon choi”...

Tan giờ, cậu nhắn tin cụt lủn: “Pagoda” - tên quán nhỏ. Chị đùa: “Ban lam nhoc a!” rồi phóng xe đến lối quen ấy, còn kịp nhận một tin nhắn “kiện tụng”: “Khong - phai - nhoc!”. Chị cười khoái chí một mình. Nước mưa tạt long tong vào mặt. Cơn mưa phùn tinh khôi chẳng biết âm thầm kéo đến tự bao giờ...

Cậu giúi vào tay chị chiếc khăn mùi xoa. Nhận ra mưa ướt nhòe mắt kính, trán bết tóc. Chị vừa thấm nước vừa trêu. Chỉ có trẻ con mới lúc nào cũng gập khăn mùi xoa trong túi. Chưa kịp nhìn vẻ mặt “trẻ con” xù lên vì tức, chị ngẩn người nhìn bông hồng nhung ướt sương trên tay cậu. Tặng An này. Vì cái gì. Kỷ niệm bảy tháng quen nhau. Gì nữa? Chị thở gấp, thấy bối rối. Cậu nháy mắt nhí nhảnh. Bí mật. Chị nhún vai, trẻ con hết cỡ.

Con bạn động viên: không cần phải lúc nào cũng đóng - vai - già như thế. Nhìn khách quan thì cũng “đôi lứa xứng đôi” lắm mà. Chị nhìn xa xăm. Trò chơi sắp kết thúc rồi. Hôm nọ thấy “thằng bé” đèo con bé nào xinh lắm. Nhỏ như cái kẹo. Trông cũng đã muốn che chở. Bạn nhăn mặt. Bà cụ non. Mới thế mà ghen à. Mày bao giờ mới khá được hả An.

Lại tin nhắn “Pagoda”. Chị nhét vội máy vào balô. Quyết tâm. Dù gì thì cũng chỉ một trò chơi. Những câu chuyện tình lãng xẹt, kết thúc dang dở, để lại mớ kỷ niệm khi nhớ lại chỉ khiến thân chủ cười khô khan và gây tức ngực. Anh gọi. “Mở mail em nhé. Giận à. Sao không thấy gọi cho anh?”. Chị đột ngột thấy tức ngực. “Sắp được nghỉ chưa anh? Lễ này anh về được mấy hôm”. Kết thúc bằng một câu sách vở. “Em nhớ anh lắm”.

23h. Ghé tiệm mì mua mấy cái bánh lót dạ bữa tối muộn. May quá, quán chưa kịp đóng cửa. Vừa rú ga, tóc bị gió thổi tung. Hình như sắp mưa. Công việc lại ngập đầu. Quên béng những mối quan hệ vương vãi. Cậu đợi trước cổng từ bao giờ. Ngằn ngặt câu hỏi trừu tượng: “Sao lại thế?”. Chị lịch sự. “Lâu ngày ghê, vô nhà chơi đi”. Cậu nhận ra sự kiểu cách và giả lả trong mắt chị. Đuôi mắt cậu nhíu lại khổ sở, cố gắng hiểu những điều khó hiểu vừa qua. Những điều thuộc về thế - giới - “người - lớn”.

Chị gặm cái bánh khô rang trong vô thức trước khi rót cho mình một ly nước to ồng ộc giải “xì - trét”. Mưa rồi. Chị hốt hoảng chạy ra cửa. Cậu vừa lao xe đi. Chắc lại dầm mưa về cho mà xem. Tội nghiệp thằng bé. Vẫn ghét nhất mặc áo mưa. Chị ào ra phố, không kịp mang thêm áo ấm. Phố vắng tênh. Thênh thang bụi mưa. Chị nép mình vào trạm xe buýt, thu dù lại, đứng nghĩ ngẩn ngơ tới lúc khô người. Một cô bé con đi tìm ai, chạy vào trạm chờ tránh mưa. Ánh mắt ngây thơ.

Quen quá. Chị bí mật à lên một tiếng. Người này đi tìm người kia. Người kia lại đi tìm người kia nữa. Là cô bé nhỏ nhắn hôm nọ đi chung xe cậu. Tóc cắt ngắn, ướt sũng, lem nhem như mèo hoang. Chị tần ngần hồi lâu, rồi rút chiếc khăn tay của cậu trong quán nhỏ hôm nào. Lau mặt đi cưng. Người đối diện nhìn chị dò hỏi. Đôi mắt mở to ngơ ngác. Như hàng ngàn vì sao đang long lanh. Chị buột miệng. “Giữ giùm chị luôn!” rồi vụt chạy đi. Chiếc dù theo đà bị gió thổi bạt ngược trở lại, rơi tõm vào vũng nước mưa lề đường. Ướt sũng. Xoay lơ.


---Truyện ngắn 1.180 chữ của VIỆT AN---

shevchenbe90
23-06-2007, 05:30 AM
Bạn ơi, mình vẫn đang chờ...

Mỗi khi nhớ lại buổi chiều mưa ấy tim mình lại rộn lên, bồi hồi, xúc động. Không biết Sơn còn nhớ hay đã quên chứ riêng mình sẽ nhớ mãi...

Hôm đó, lớp mình tổ chức đi chơi xa đến chiều tối mới về. Đang đạp xe trên đường thì trời mưa tầm tã. Các bạn ai cũng cố sức đạp nhanh, mình cũng vậy. Nhưng mà cái xe của mình bị trục trặc nên mình cứ bị tụt lại sau. Khoảng cách giữa mình với các bạn ngày càng xa. Ai cũng ra sức đạp xe hối hả mà dường như quên mất mình…

Đến khi cái xe không còn có thể đi được nữa thì mình phải dắt bộ. Trời đã sầm sập tối và mưa thì không chịu ngớt… Thực sự mình cảm thấy hoang mang, lo sợ vô cùng. Đường dài, vắng vẻ, thân gái dặm trường…

Nỗi lo trong mình mỗi lúc mỗi tăng, giá gặp được một cái tiệm sửa xe thì tốt biết mấy. Lúc đó trên đường vẫn còn lác đác vài cái xe máy, xe đạp. Nhưng họ đều phóng nhanh vun vút, như không nhìn thấy có một cô gái đang vô cùng hoảng hốt trên đường. Trong lúc hoảng loạn tưởng như không thể bấu víu vào đâu được thì bất chợt một giọng con trai cất lên ngay sau lưng:

- Bạn ơi, xe của bạn bị làm sao thế?

Mình quay lại, nhìn vào mắt người con trai không quen biết:

- Xe của mình bị hỏng, không đi được.

- Để mình coi xe của bạn bị sao nhé!

Mình luống cuống, không biết phản ứng lại như thế nào. Và rồi sau một lúc bạn loay hoay, xe của mình đã có thể đi được. Mình lí nhí cảm ơn rồi vội vã trèo lên xe mà không kịp hỏi tên. Mình hì hục đạp được một đoạn thì lại nghe tiếng bạn đằng sau:

- Bạn ơi! Để mình đưa bạn về nhé, vì trời thì tối lại mưa nữa, mà mình cũng không yên tâm lắm với cái xe của bạn.

Mình rất ngạc nhiên và hơi bối rối. Thật lòng mình thấy sờ sợ…

Mình ít hỏi chuyện bạn, còn bạn thì cứ líu lo nói đủ thứ. Bạn chủ động giới thiệu tên, quê quán, trường học… mình vừa nghe lại phải vừa canh chừng!

Quãng đường về nhà ngày càng ngắn lại, nỗi lo trong mình cũng dần được cởi bỏ. Lúc này mình mới nhìn sang bạn, người bạn ướt như chuột lột từ trên xuống dưới. Đột nhiên mình thấy thương…

Về đến nhà, mình vui mừng khôn xiết. Mình mời bạn vào nhà chơi mà bạn từ chối:

- Để khi khác Sơn ghé nha. Bây giờ muộn rồi nên Sơn phải về đây!

Đã năm tháng trôi qua, mình chờ Sơn ghé nhà mà vẫn chưa thấy. Sơn ơi! Mình vẫn chờ Sơn đấy. Nếu Sơn không ghé thì mình biết tìm Sơn ở đâu?


---NGUYỄN CHIÊN---

shevchenbe90
25-06-2007, 07:28 AM
Truyện thứ 3
Rối loạn tiền đình

Diệp nằm mẹp trên xalông phòng khách. Hai chân hơi co vừa lọt lòng ghế. Tay trái buông xuôi dọc theo mình. Tay phải vươn dài, vắt qua mặt bàn kiếng. Đầu gối cao lên tay ghế. Nằm lắt lẻo co ro như vậy hơi bị cấn ở sau ót, nhưng thấy dễ chịu hơn so với kiểu nằm sải tay thẳng cẳng trên tấm nệm êm dày ba tấc, kê trong phòng ngủ.

Diệp nghĩ như vậy rồi tự cười nhạo chính mình. Xạo quá!

Mình rất đang yếu mệt trong người. Lảo đảo lần vách, bám tường miết mới vô tới được trong nhà. Chân tay quần áo còn dính đất, âm ẩm nước tưới cây lạnh ngắt, lấm tấm cả vụn lá mục và phấn hoa nữa, nên không dám nằm vật lên tấm ra trải giường mới giặt hôm kia, đành ráng lết thêm chín mười bước nữa ra đây. Buông mình nằm ịch xuống rồi, nghỉ ngơi một lát mới thấy đỡ chóng mặt quay mòng mòng, chớ có phải nghe dễ chịu liền ngay lập tức đâu mà dám nói bảnh như vậy.

Hình như Diệp đang nói ra thành tiếng hay sao ấy. Như đang có Khương ngồi trước mặt. Như Khương đang nghênh ngang, chế giễu Diệp mỗi lần hai đứa lôi nhau vào chỗ lời qua tiếng lại.

- Người gì mà mở miệng là tiếng nào tiếng nấy nghe như đẩy cái nút tiếng treble lên tới đụng nóc, the thé chói lói xói tai, bén lạnh cả người như rờ qua lưỡi dao mới mài.

- Ờ. Vậy đó. Không ưa thì thôi.

- Có ai ưa đâu.

Diệp thu cánh tay đang vắt qua bàn về để gác ngang trán, thở dài một tiếng lê thê hận oán người và cam chịu cho mình.

Lại tưởng tượng nữa rồi.

Khương làm gì được phép ở đây. Gã đang ở đâu đó, Ban Mê, Long Hải, Cần Thơ… chỗ người quen, bà con nào ấy, mà Diệp từng vênh mặt nói “chả cần biết!”.

Nhà này sổ đỏ giấy hồng đều đứng tên Diệp, là của cải riêng Diệp. Trong hộ khẩu không có tên Khương. Khương chỉ là kẻ tạm trú trong đời Diệp. Diệp là cái nhà trọ, cái khách sạn mà Khương là khách vãng lai đã biết tên quen mặt.

Khương nhếch mép bất cần mỗi lần Diệp chua chát ví von như thế.

- Gì cũng được. Muốn nói sao thì nói. Tự nói ra tự chịu lấy.

Diệp nổi khùng lên:

- Vậy thì đi chỗ khác. Ở đây hết phòng rồi.

Hôm qua cũng nói như vậy. Thế là Khương đi.

Diệp cũng đi. Diệp leo lên chuyến xe đò tốc hành chạy suốt đêm. Hai giờ sáng, xe thả Diệp xuống ngay đầu hẻm, cuối một con dốc mà xe đạp muốn lên đó phải dắt bộ. Diệp lom khom leo dốc đi về nhà. Trời lạnh nhức nhối mấy đầu ngón tay ngón chân. Lạnh đến nỗi mấy con chó nằm co trước hiên nhà cũng không buồn sủa.

Tiếng là có nhà nghỉ mát ở Đà Lạt, nhưng chỉ là căn nhà cấp bốn trong xóm lao động. Sàn gỗ, vách bằng gì không biết mà vợ chồng nhà kế bên rù rì âu yếm, bên này cũng nghe rõ từng tiếng bổng trầm, ngắt quãng.

Bức vách còn lại nhìn ra bãi cỏ hoang, chơ vơ một cây thông cao to. Sân trước là đường hẻm cụt. Sân sau có mảnh đất trống. Lần trước lên, Diệp trồng hai cây ớt, một cây cà chua. Lần này lên lúc khuya, sáng ra mở cửa vươn vai nửa chừng đã ngừng lại kinh ngạc. Một vạt sao nhái màu hồng phấn, màu đỏ cánh sen, màu tím hoa sim, màu trắng sữa đang vươn cao qua đầu Diệp. Vô số chùm lá hoa uốn éo trong gió lạnh. Hoa vùng cao nở to hơn miệng chén chè, chứ không nhỏ nhít như đồng xu khi mọc ở vùng thấp. Diệp kêu: Đẹp quá! Thanh bình!

Diệp ở tới nay là ba ngày. Sáng hôm qua, dậy sớm, mang găng tay xỏ giày ra ga xe lửa. Đứng nhìn vẩn vơ những hàng bắp cải xanh xám thẳng tắp, về ghé chợ nhỏ, mua xà lách xoong xanh rượt, ngắt giòn tanh tách vừa gánh lên từ đám rẫy ngay bên dưới con đường có chợ. Sáng hôm nay xuống dốc, dọc theo bờ hồ vào chợ đi lơ ngơ trong dòng du khách nô nức ướm thử áo len, nhấm nháp mứt dâu ngọt gắt, khoai lang sấy dai nhẳng…

Trưa ra sân sau, tìm mãi mới thấy còn một cây ớt lẫn trong đám cỏ hoang. Diệp hái trái chín đỏ. Mình sẽ hưởng cái thú được ăn cây trái tự tay mình trồng. Còn trái chín rục để lại, cho nó tự gieo hạt lên cây khác. Cây cà chua cũng có hai trái, non xèo. Không chừng bên trong ruột, hột còn chưa tượng hình.

Diệp vặn rôbinê, hắt lên đám bông hoa rực rỡ ẻo lả ba bốn xô nước lạnh như đá tan trong ly.

Đang hăng hái trong vai người làm vườn thì Diệp thấy người mình khẽ chao đi một cái. Chân đứng không vững, xô nước tuột khỏi tay rơi bịch xuống rồi văng lên cùng với bụi đất. Mặt ướt, vớ cũng ướt.

Điện thoại treo trên vách phòng ngủ khẽ rên lên. Diệp đã gài volume mức thấp nhất, rút kinh nghiệm từng bị giật nẩy mình vì chung quanh triền miên vắng lặng.

Diệp chậm chạp nắm lưng ghế nhổm dậy, rón rén thả hai chân xuống. Nhưng vẫn ngồi tại chỗ, nghe ngóng xem có chao đảo gì không.

Chuông chưa chịu ngừng.

Biết chắc đứng lên không bị chúi nhủi, Diệp lò dò vịn lưng ghế, cạnh tủ, màn gió tới chỗ điện thoại. Diệp nói alô yếu ớt.

Tiếng Khương mạnh khỏe, vui vẻ:

- Sao rồi? Ngủ chưa dậy hay là đi chơi mới về?

Diệp đổi giọng lạnh như trời khuya Đà Lạt:

- Chóng mặt.

- À. Hội chứng tiền mãn kinh ấy mà. Uống thuốc đi.

Diệp cười một tiếng qua lỗ mũi, nhạt nhẽo, khinh bạc:

- Ừ.

Rồi gác máy, lần mò ra nằm lại trên cái ghế dài hồi nãy.

Chuông điện thoại lại reo. Lần này chưa alô đã nghe Khương nói léo nhéo gì đó, không rõ, Diệp gắt:

- Nhắc lại!

- Bị rối loạn tiền đình mà nằm một mình cô độc lắm. Gọi cho nhà có tiếng người. Đỡ lo bị xì trét.

- Thôi đi. Biết người ta bước như con nít mới tập đi không? Biết từ ghế xalông tới trong này bao xa không? Muốn xỉu mà cứ đi tới đi lui, thế nào cũng té xuống, nhập thổ ngay tại chỗ.

Khương nói hồn nhiên:

- Vậy thì cứ để chuông reng đâu có sao. Biết có người quan tâm tới mình là được rồi.


---Truyện ngắn 1.179 chữ của DIỆP BÁ HƯƠNG---

shevchenbe90
27-06-2007, 06:00 AM
Mảng xanh

Khe nước nhỏ, nước óng ánh sắc xanh, trong vắt, nhìn rõ từng cọng rêu, vạt cỏ xanh dập dờn dưới đáy. Lội qua khe nước là tới một khoảng đất khoác kín trên mình lớp áo cỏ xanh rì.

Những gò đất thấp cũng xanh màu cỏ. Trên các gò đất, trên cả khoảng đất, những cây thông non vươn những ngọn xanh biêng biếc lên trời. Tất cả là một màu xanh, là một khoảng xanh. Một khoảng xanh, một khoảng xanh, thật xanh...

“Chú à, nắng quá, vô đây làm ly nước cho mát đã rồi đi tiếp nhé?”. Câu hỏi của Thành, đứa cháu họ, kéo anh ra khỏi dòng ký ức. Anh ậm ờ đồng tình. Thành liền giảm ga, về số, bẻ tay lái chiếc xe máy sang bên phải, rẽ ngay vào một quán nước bên đường. Quán giải khát không tên, tuềnh toàng, gọn lỏn trong gian ngoài của một ngôi nhà cũ, nằm sát gốc một cây xà cừ cao lớn. Trước nhà, đang để nhiều gạch, cát... chắc chủ nhân chuẩn bị xây nhà mới. Thành gọi một cốc nước chanh đá, ngồi gật gù lẩm nhẩm hát theo lời một bài hát đang được phát ra khá to từ một ngôi nhà bên kia đường. Anh gọi một trái dừa tươi, nhấp vài ngụm nhỏ, trầm ngâm.

Khe nước ấy, trong xanh thật, thấy được cả sỏi, cả cỏ dưới đáy mà. Mình lội qua, nước chưa tới đầu gối, mát lắm. Có hai hay mấy gò đất xanh màu cỏ? Có một gò rất lớn như một triền đồi nhỏ? Hình như thế. Toàn là thông non. Đúng rồi, chỉ có thông xanh mọc lên cao và cỏ xanh phủ kín mặt đất thôi. Mà khe nước ấy, những gò xanh ấy, ở đâu nhỉ? Ở đâu trong cái thành phố nhỏ bé này? Có thật là ở đây, hồi còn nhỏ mình đã một lần tình cờ đặt chân lên cái khoảng xanh ấy? Hay đó chỉ là một giấc mơ tràn ngập màu xanh? Là mơ hay thực? Là thực hay mơ?

Là mơ hay thực? Câu hỏi ấy luôn trở đi trở lại trong anh, mỗi khi cái khoảng không gian xanh ấy hiện về trong ký ức. Bởi có những hình ảnh thực anh đã từng gặp trong đời vào một ngày thơ bé, xa xăm nào đó, sau này đôi khi chợt nhớ tới, lại ngỡ đó là một giấc mơ. Ngược lại, có những hình ảnh trong những giấc mơ thuở thiếu thời, được lưu giữ và thỉnh thoảng tái hiện trong ký ức của anh, mà anh lại ngỡ đó là hình ảnh đã gặp ngoài đời. Nhưng những sự lầm lẫn nói trên chỉ là trong thoáng chốc, bởi trí nhớ vẫn giúp anh phân định được ngay đâu là mơ, đâu là thực.

Chỉ có cái khoảng xanh này, đến giờ, anh vẫn không rõ đó là thực hay mơ. Trí nhớ của anh vẫn ghi lại rằng một buổi nọ, không rõ sáng hay chiều, trong một lần dắt díu nhau đi chơi ở một nơi nào đó trong thành phố nhỏ quê hương, anh và mấy đứa bạn, cả bọn lúc ấy đều còn nhỏ lắm, đã tình cờ tìm thấy khoảng không gian vắng vẻ, thơ mộng và tinh khiết ấy. Cả bọn cứ ngẩn ngơ, thơ thẩn chơi, từ khe nước tới những gò đất mọc đầy thông non, rồi cùng nằm lăn ra trên cỏ nhìn ngắm trời xanh qua những kẽ lá thông và thiêm thiếp dần vào giấc ngủ xanh màu cây cỏ.

Không rõ anh đã bắt đầu nhớ về khoảng không gian xanh ấy tự khi nào? Chỉ biết rằng tuổi càng lớn, anh càng thấy nhớ nhiều hơn. Những khi mỏi mệt giữa phố phường thiếu vắng màu xanh, thừa thãi bêtông, xe cộ, bụi bặm và tiếng ồn, khoảng xanh ấy lại hiện về, mờ mờ ảo ảo trong ký ức, để anh thả hồn mình vào đấy, nghỉ ngơi.

Cả những khi chẳng mỏi mệt, chẳng vui buồn, khoảng xanh cũng cứ chập chờn ẩn hiện trong anh, gần gũi và thân thiện. Mà thật lạ, anh đã đi nhiều, đã từng đến với những không gian còn xanh hơn, đẹp hơn, mênh mông hơn gấp bội, nhưng sao chỉ thấy nhớ hoài không gian xanh bé bỏng ấy. Càng nhớ, càng thấy băn khoăn, day dứt, muốn tìm lại để xem nó là thực hay mơ. Lần này, anh trở về quê nhà, đem chuyện đó hỏi người lớn, không ai trả lời được. Anh kể cho Thành nghe và rủ nó đi tìm. Nhưng suốt cả buổi hai chú cháu đã vòng đi, đảo lại khắp mọi ngõ ngách, mọi chốn hoang vắng trong cái thành phố nhỏ bé này mà chưa thấy chút dấu tích nào của khoảng xanh ấy.

Nó đã bị phá mất rồi, hay thật sự là nó chưa hề tồn tại? Nước xanh, gò xanh, thông cũng xanh lắm, chỗ nào cũng xanh. Chẳng lẽ lại chỉ là một giấc mơ?...

“Dừng tay lại!” - tiếng quát đột ngột vút ra khỏi miệng anh khi chợt thấy gã chủ quán đang lén lút đổ cả bình nước sôi vào gốc xà cừ. Gã chủ quán giật mình, ngừng tay, quay lại, rồi trợn mắt chửi: “Thằng ranh, mày vừa quát tao đấy à?”. “Tại sao ông đổ nước sôi vào gốc cây, nó chết thì sao? Cây này là của công, đâu phải của nhà ông?”. “Không phải. Nhưng tao cứ đổ đấy. Mẹ mày chứ! Muốn tắm nước sôi thay cho cây hả?”.

Vừa nói, gã vừa dứ dứ bình nước về phía anh và Thành. Cả hai chú cháu cùng giật mình. Anh thấy Thành khẽ giật tay áo mình, ý chừng muốn bảo hãy thôi đi. Anh cũng thấy rờn rợn, nhưng không thể thoái lui được. Giọng anh mềm đi đôi chút, nhưng vẫn kiên quyết: “Ông không nên làm thế. Ông định làm cây chết để xây nhà lấn ra, phải không?”. Thấy anh vẫn kiên quyết bảo vệ cây xà cừ, Thành cũng mạnh dạn đứng lên, bộ mặt làm ra vẻ khá ngầu. Chẳng biết vì nước sôi còn quá ít hay thấy anh có đồng minh, hay đã bị anh “điểm” trúng tim đen, nên sau một lát gườm gườm nhìn hai chú cháu anh, gã chủ quán lầu bầu vài tiếng chửi thề, quay vào quán, rồi gắt: “Trả tiền nước rồi biến đi. Cốc nước chanh và quả dừa... 30 ngàn”.

Rời khỏi quán nước, Thành bảo: “Lúc nãy chú gan thật đó. Thằng cha ấy mà liều lên một chút thì chưa biết sẽ thế nào”. Anh ậm ừ, cũng không ngờ, lúc ấy mình bỗng gan thật. “Về thôi!” - anh chợt bảo Thành. “Chú không đi tìm nữa à?”. “Ừ, thôi!”. Thành hơi hồ nghi, nó liếc nhìn anh qua gương chiếu hậu, thấy trên gương mặt anh dường như đang phảng phất một nụ cười nhẹ nhõm như không.


Truyện ngắn 1.196 chữ của TRẦN THANH SƠN

shevchenbe90
02-07-2007, 10:13 PM
Từ độ cao tầng 18


Đó hoàn toàn là một sự cố. Chỉ trong tích tắc. Cái cửa kính vặn vẹo, rên xiết rồi từ từ long khỏi rãnh trượt, chao ra ngoài không trung. Nhẹ bỗng như một chiếc lá. Trong tích tắc ấy, đầu óc anh mụ đi. Gió thông thốc táp vào mặt. Gió của tầng 18. Không hiểu nó sẽ mạnh hơn bao nhiêu lần nếu thổi dưới mặt đất?

Như người trong cơn mê sảng, anh nhoài người ra ngoài cửa sổ, nhìn cánh cửa kính chao liệng vô ưu. Và rồi nó nhẹ nhàng hạ cánh xuống mặt đất. Nhưng trước khi chịu nằm yên vị, nó khẽ nẩy lên, kiểu như người ta rùng mình. Chẳng có một tí âm thanh nào vọng đến tai anh. Gió vẫn thông thốc thổi vào mặt. Anh kịp nhìn thấy vô vàn những mảnh kính nhỏ bắn tóe lên trong nắng, ánh lên như những tia nhìn sắc lạnh. Cái khung nhôm bao quanh tấm kính mềm lả như một sợi bún, giẫy giẫy lên yếu ớt rồi gục xuống im lìm.

Rất nhanh, sự tỉnh táo hồi lai. Anh nhào ra thang máy. Phải chờ mất một lúc cái thang mới dễu dện lượn từ tầng năm lên, ra điều “chẳng có gì mà phải vội”. Cũng với tốc độ ấy, nó uể oải tụt xuống tầng một, kẽo kẹt mở cánh, nhả cho anh bước ra.

Tay bảo vệ trợn ngược mắt nhìn anh. Giọng run bắn:
“Cái cửa… cửa… rơi…”.
Chắc tay ấy vẫn nghĩ mình là người đầu tiên được chứng kiến chuyện vừa xảy ra. Một cái cửa sổ rơi tự do từ trên cao xuống. Những mảnh kính bắn tóe khắp sân. Chỉ cần có một ai xuất hiện trên sân vào đúng lúc ấy! Tay bảo vệ hình như cũng vừa định chạy đi kiếm bao thuốc lá hút cho đỡ buồn ngủ. Chỉ nhanh chậm một tích tắc. Những mảnh kính vỡ trên sân sẽ vương thêm chút máu tươi!

Thật ra từ trước đến nay, trừ lúc đêm khuya, cái sân này có khi nào tuyệt đối vắng người đâu. Ông già bà cả, con nít khó ăn, mấy cô tranh thủ giờ trưa về cho con bú, mấy bà đồng nát tiện thể ghé dưới bóng cây trứng cá chợp mắt tí ti… Tóm lại là người đi lên đi xuống, đi ra đi vào, và cả những thành phần phát vãng chả lúc nào thiếu trên mảnh sân ấy.

Tay bảo vệ của chung cư bên cạnh sấn sổ chạy sang, tuôn ra cả tràng những thông tin mà cả anh và tay bảo vệ đang tím ngắt mặt kia đều biết cả.

+

Biên bản của tổ bảo vệ ghi rõ: khi đó là 13 giờ 23 phút 00 giây.
Nội dung tường trình của anh: cửa sổ bị trượt khỏi rãnh kéo trong khi mở và đã rơi xuống đất.
Thiệt hại: không có thiệt hại về người.
Sẽ là một thảm họa - nếu có người lảng vảng dưới sân vào đúng 13 giờ 23 phút 00 giây - đã không xảy ra.

Và vì chẳng có hậu quả gì ghê gớm xảy ra nên bản báo cáo nhanh chóng được tổ bảo vệ xếp chung vào mớ giấy tờ xác nhận mất vé xe tháng nào cũng dày cả mớ. Chuyện được rỉ tai nhau ba bữa là hết. Có ai bị làm sao đâu mà. May thật đấy. Và chấm hết.
+

Nhưng anh thì rơi vào ma trận của những cơn mơ hãi hùng. Anh biến thành một con nhái bén lay lắt bám vào tấm kính, liệng xuống đất. Gió và gió. Hun hút thổi qua tai. Mặt đất không thấy đâu, chỉ thấy một vực thẳm vô cùng vô tận.

Nếu không là con nhái bén, anh lại biến thành mẩu giấy vụn, gió bốc đi từ tầng 18 ném thẳng ra giữa không trung, rồi đột ngột vo tròn lại và ném toẹt xuống đất khi cảm thấy đã chán với trò chơi đầy ngẫu hứng của mình.

Thần kinh anh căng ra trong những “trò chơi” bất đắc dĩ ấy. Một sự đày ải lẽ ra anh có đáng phải chịu không?

+

Về cái cửa xộc xệch, anh đã báo với viên tổ trưởng phụ trách khu chung cư.
“Nó quá lỏng lẻo và rệu rã”.
Viên tổ trưởng ngồi trước tờ báo đăng chi chít các vụ án, ngáp ngắn ngáp dài:
“Tại sao không ai kêu, có mỗi nhà anh là kêu ca?”.
“Anh có thể lên kiểm tra”.
“Nhưng mà tiền tu sửa phải có đợt”.
Hóa ra tay này sợ mất tiền sửa cửa cho nhà anh.
“Không, tôi sẽ tự làm lấy, không phiền đến các anh”.
“Nhà là do chúng tôi quản lý”.
“Nhưng…?” - Quả thật anh chẳng biết phải nói gì khi gặp tình huống oái oăm này.
Tờ báo chi chít các vụ án. Có vụ án nào liên quan đến cửa kính hỏng không nhỉ? Tự nhiên anh
bần thần nghĩ.“Đừng mở nó ra nữa”.
“Sao kia?”.
“Cái cửa hỏng ấy, tốt nhất là để nguyên thế”.
Nhưng cái phòng chật tí, không mở cửa cho thoáng thì… Anh đứng đực mặt ra.

“Thôi được rồi, anh về làm đơn đi - sau vài phút ngáp ngắn ngáp dài, viên tổ trưởng thở dài có vẻ như muốn thỏa hiệp - Tôi sẽ xin ý kiến cấp trên”.

Đơn thì anh có thể làm ngay. Nhưng việc xin ý kiến trên thì phải đợi. Trưởng phòng đi họp. Rồi con ốm. Mà trưởng phòng cũng không quyết được. Còn phải có ý kiến của giám đốc. Giám đốc còn bận họp hơn. Rồi đi công tác nước trong, nước ngoài.

Chuyện cái cửa không chỉ đơn giản là cái cửa. Nhỡ đâu cả khu rộ lên kêu hỏng, rồi mạnh ai nấy lắp, mỗi nhà một phách thì chết à. Vấn đề nghiêm trọng thế, phải cân nhắc thật cẩn thận. Tay tổ trưởng nhăn nhó như người bị đau bụng kinh niên mỗi khi anh hỏi đến.

Tóm lại là chờ đấy.

+

Chờ…

+

Vẫn chờ...

+

Và cái cửa thành cánh diều bất đắc dĩ bị xé vụn trên đất.
Một cánh diều bất đắc dĩ thì có mơ ước gì không nhỉ?

+

Đêm anh nơm nớp ngủ ở độ cao tầng18 không cửa rả…

Truyện ngắn 1.069 chữ của PHONG ĐIỆP

coadai1912
03-07-2007, 12:00 PM
Hôm nay, trên rạp chiếu bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân". Có lẽ bạn nào xem qua cũng thấy đây là một bộ phim tâm lý hài vui vẻ, nhưng bản thân tôi lúc xem đã khóc.



Bộ phim nói về một cô gái có thân hình xấu xí và mập mạp. Cô có giọng hát hay và cô yêu một chàng trai cùng công ty - một chàng trai phong độ. Vì cô xấu xí nên cô không được ra hát mà phải đứng sau sân khấu và để một ca sĩ có thân hình bốc lửa lên hát nhép lại. Vì cô quá mập nên cô luôn tủi thân khi mua quần áo, khi bị mọi người châm chọc là thứ phụ nữ vứt đi. Và cô càng cảm thấy tủi thân khi đứng bên cạnh chàng trai cô thầm yêu, tình yêu ấy cô chôn chặt. Cô định tự tử nhưng không thành, có lẽ vì cô vẫn còn tình yêu cuộc sống và hy vọng mong manh về một tình yêu.

Cô quyết định đi làm phẫu thuật thẩm mỹ. Cái điều mà mọi người đàn ông đều thông cảm nhưng không ai chịu chấp nhận ở người mình yêu. Cô gái ấy sau khi phẫu thuật chở nên xinh đẹp và cô tự tạo cho mình một cuộc sống mới, quên đi mọi chuyện, tất cả. Nhưng cô không thể lừa dối mãi người mình yêu, cô không thể chối bỏ người bố đang bị bệnh thần kinh, và cả người bạn gái thân nhất của mình. Và trong buổi trình diễn đầu tiên của mình với tư cách một ca sĩ, cô gái đã khóc, thú nhận tất cả sự thật, và cô trở lại là cô với cái tên của mình, cô đã lại hát như cô gái mập ngày xưa, hát bằng cả trái tim và trong sự hân hoan đón nhận, cảm thông của toàn bộ khán giả.

Khi đó tôi cũng khóc nấc cùng cô gái, hạnh phúc cùng cô gái trong phim khi chứng kiến niềm sung sướng của cô. Có lẽ, bởi khi đó tôi nhớ lại tôi ngày xưa. Tôi cũng đã từng béo gấp đôi bạn bè, tôi hiểu cảm giác ấy như thế nào. Khi bạn mập, bạn khác người, bạn đứng trước đám đông và bạn nghe thấy họ xì xào: "Ăn cài gì mà béo thế!", và bạn sẽ hiểu cái cảm giác đó tồi tệ như thế nào. Nhất là đối với một cô gái. Tôi cũng đã từng được biết người yêu tôi, khi chúng tôi mới yêu nhau, nhiều lúc anh ấy cũng chán nản nghĩ: Người yêu người ta thì nhỏ bé, bế ẵm được còn người yêu mình thì nặng như cái thùng phi di động ấy.

Rồi khi bạn muốn tham gia chương trình ca nhạc của lớp, bạn bị đẩy ra vì bạn khó mặc vừa quần áo diễn, rồi thân hình bạn quá xấu. Nếu ở địa vị đó bạn mới hiểu được cảm giác của tôi. Và vì thế tôi khóc vì vui sướng, vì rồi một cái kết có hậu cho cô gái trong phim, và cả tôi. Vậy mà lúc ấy, tôi thấy mọi người cười rất vui vẻ, phim hài mà nhưng họ cười và bàn luận: Sao nó xấu thế nhỉ? Còn tôi khóc vì vui, đâu liên quan gì ai! Thế nhưng khi nghe thấy tôi sụt sịt, có mấy tiếng con trai nói rất to: “Thế mà khóc thật à? Con dở hơi”.

Tôi không hiểu. Và cũng thấy rất buồn. Tôi khóc vì tôi thấy nỗi buồn của tôi ngày xưa và niềm vui của tôi bây giờ. Và giờ thấy buồn thật vì có những người không hiểu và không chia sẻ với những cô gái có thân hình mập mạp như tôi, như cô gái trong phim. Đấy đâu phải là câu chuyện để đàm tếu nào thì: “ăn gì mà béo thế” rồi “ăn mấy bát ô tô mà phì nộn ra”...

Chẳng ai muốn mình xấu cả nhưng nếu như trời sinh mình ra như thế rồi, mình sẵn sàng đón nhận và mong đừng ai nhìn chúng tôi rồi lại bụm miệng cười và bàn tán sau lưng.

shevchenbe90
09-08-2007, 08:33 AM
Touch

- Hắn sống ở Mỹ đã hai mươi năm, làm nhân viên bảo vệ của một nhà chọc trời trong thành phố New York suốt từng đó thời gian.

Hắn thay đổi, lầm lì sau khi theo gia đình đến xứ người. Gia đình bỏ hắn sang Cali vì dễ kiếm sống hơn. Đen đúa, dữ dằn, lại là dân đầu đen mũi tẹt, hắn chẳng nổi trội hay hấp dẫn được ai khác trên đất Mỹ.

Đi làm về chỉ coi tivi, thuê phim võ hiệp và nốc bia, không bạn bè, người thân để gặp gỡ, cũng không trai gái, cứ như vậy mà đã qua hai mươi năm, tới mức hắn chẳng biết mình cần gì, và có còn nhu cầu âu yếm thể xác với con người hay không. Hắn thích cô bé hàng xóm trước khi đi, nhưng thời buổi đó một cái nắm tay còn bị cho là sàm sỡ, nói gì đến chuyện ăn ngủ với nhau.

Hắn trằn trọc sau cái đêm xem mẩu phóng sự đó trên đài Real TV. Bản năng thèm được âu yếm, vuốt ve bỗng trỗi dậy, cào cấu tâm gan hắn. Nhưng hắn sợ, hay đúng hơn xấu hổ cho chính hắn. Gần năm mươi tuổi, nửa đời người mà còn có những ý tưởng điên khùng. Suy đi tính lại, hắn vẫn cúi đầu trước bản năng, lê bước đến bấm chuông căn hộ nhỏ trong cái chung cư không cách xa chỗ hắn làm là mấy.

Hắn được chào đón nhiệt tình. Ở đó không ai hỏi hắn làm gì, bao nhiêu tuổi, người nước nào, ở Mỹ lâu chưa. Họ chỉ cần nơi hắn một cái tên, và yêu cầu tuân theo nội qui của câu lạc bộ. Hắn ngượng ngùng khi trên người chỉ còn chiếc quần đùi, tay không dám chạm vào bất cứ ai khác trong phòng. Rồi khi người ta ôm lấy hắn, hắn giật bắn người run bần bật như động kinh. Cảm giác đó quá xa lạ đối với hắn - gần như trần truồng trước bao nhiêu người, chưa bao giờ ôm ấp vuốt ve với một người quen thân, mà bây giờ lại toàn với người lạ. Chủ nhân và những người xung quanh tỏ vẻ thông cảm vì không phải lần đầu tiên chủ nhân nhìn thấy điều này, còn những người khác có lẽ cũng như vậy khi đến đó lần đầu.

Đường phố New York hiếm khi vắng người. Với trên dưới tám triệu dân thay phiên nhau lên xe buýt, xuống xe điện, bước vội vàng trên đường phố bất kể giờ nào, touch phần lớn là những cú va chạm khi chen nhau nơi công cộng. Lịch sự thì phát ra một tiếng sorry, còn không thì chỉ là những ánh mắt giận dữ, lạnh lùng, khinh miệt nhau.

Một cặp vợ chồng trẻ Mỹ trắng nảy ra ý nghĩ mở câu lạc bộ Touch, tuần một lần thu dọn căn phòng khách nhỏ của mình trong một chung cư ngay trung tâm phố, trải khăn nệm dày lên khắp sàn để cho những ai thiếu thốn âu yếm có thể đến để mua.

Luật chơi rất đơn giản, mười tám tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, hình thể, chỉ cần trả cho chủ nhà một khoản lệ phí nhỏ, giữ lại duy nhất đồ lót trên người rồi nằm, ngồi ôm ấp, vỗ về nhau theo hướng dẫn của người tổ chức sao cho âu yếm nhau như thế nào để có hiệu quả nhất.

Bất cứ ai lợi dụng sự va chạm thể xác để làm bậy đều bị đuổi ra khỏi club. Cái câu lạc bộ nhỏ bé đó bỗng chốc trở thành thiên đường của mọi người mọi giới, nhưng tất cả đều mang chung một mẫu số: khao khát và đáp trả những âu yếm vuốt ve.

Hắn quay lại câu lạc bộ không phải chỉ một lần. Hắn cảm thấy dễ chịu hơn khi da thịt mình được chạm vào da thịt người khác. Nhiều lần hắn tự hỏi làm sao một ông già có thể rơi nước mắt khi đang ôm một phụ nữ tóc bạc phơ không quen biết.

Nhưng dần dà, hắn phát hiện những tình cảm khác nhau qua những vuốt ve của người khác dành cho hắn và của hắn trên cơ thể họ. Dường như đó là nỗi vui mừng của người chị gặp lại em trai, của một người cha xa con lâu ngày, và của một phụ nữ đang khao khát yêu đương. Bản năng thúc đẩy hắn đáp trả lại.

Hắn muốn hôn người phụ nữ kia như đang hôn cô bé hàng xóm ngày xưa. Hắn thấy thương cha mình vì có lẽ giờ này ông cũng lụm cụm như ông già trong tay hắn, cô đơn đếm số thời gian ngắn ngủi còn lại.

Rồi một lần kia, hắn cảm nhận được cái tình mẫu tử mà hắn chưa hề có. Hắn ngả đầu êm ả trên ngực người phụ nữ gốc Latin to lớn. Tất cả lặng im xung quanh hắn. Ru mình trong cảm giác êm đềm, hắn nhớ những ngày trẻ thơ lăng quăng trong xóm, nhớ những bữa cơm đạm bạc gia đình quây quần bên nhau. Hắn nhớ và nhớ. Người phụ nữ đó có lẽ cũng nhớ và đang tìm những kỷ niệm xưa. Cả hai cùng khóc.

Hắn không quay lại câu lạc bộ nữa. Cuộc sống của hắn đã khác đi. Bớt lầm lì, hắn tìm về gia đình và những người quen biết cũ. Hắn mơ về một gia đình nhỏ của riêng mình. Nơi đó, dù cho cuộc sống có khó khăn đến mức nào, hắn sẽ đem đến những thương yêu, âu yếm cho vợ và con hắn, để những người hắn thương yêu hiểu được thế nào là hạnh phúc và yên bình trong vòng tay của một người chồng và một người cha.

Truyện ngắn 1.012 chữ của N.T.T.

ngayxua
09-08-2007, 05:18 PM
Ứ ư ừ ứ ư...



Bạn bè năm sáu đứa vây quanh tôi. Ðứa vén tóc, đứa cài khuy áo, đứa xỏ găng tay... Thậm chí nhỏ Tuyết nổi tiếng “kẹo bạch nha” mà còn hứng chí xách nguyên “bộ đồ phụ tùng” gia bảo của nó đến để trang điểm cho tôi. Nhà nhỏ Tuyết là tiệm trang điểm cô dâu mà. Tôi thực sự cảm động khi thấy Tuyết chăm chút cho tôi rất kỹ lưỡng với đầy đủ các thao tác: “bôi, trét, quét, xoa...”

- Nói thiệt với mi nha Hạc, từ trước đến nay chưa có cô dâu nào được tao chiếu cố bằng mi đâu!

Tôi bẹo má Tuyết:

- Cám ơn và... yên chí ! Lần sau có làm cô dâu tao cũng sẽ nhờ mi!

- Thiệt không? Tính lẹ đi!

Cô Tuyến thò đầu vào cửa phòng:

- Chú rể đâu rồi? À... đây, chà “đẹp chai” ác! Hạc xong chưa? Lẹ lên! Ðến phiên rồi...

Tôi nhìn vào góc phòng và bắt gặp Khánh cũng đang... nhìn trộm tôi. Chú rể đấy! Khác với mọi ngày: sơ mi trắng, quần tây. Hôm nay Khánh “diện” áo thụng, khăn đóng cùng màu xanh in chữ thọ. Trong bộ đồ “mô đen” của năm “một-ngàn-mấy-trăm-về-trước” trông Khánh có vẻ ngượng nghịu, lúng túng thấy rõ, không còn là anh chàng Khánh lém lỉnh của mọi ngày. Tôi thì khác, mọi ngày tôi vẫn mặc áo dài trắng đi học, hôm nay đổi áo dài trắng sang áo gấm đỏ. Thường khi tôi vẫn đội mũ, giờ “đóng” lên đầu cái khăn viền rây. Mọi bữa tôi xỏ guốc, chừ “chơi” đôi hài. Nghe vẫn quen...

Khi người xướng ngôn viên trịnh trọng tuyên bố: “Sau đây là tiết mục hoạt cảnh Lý ngựa ô do lớp 12A4 trình diễn” thì tôi... run! Cô Tuyến dặn dò lần cuối:

- Bình tĩnh! Nhớ các động tác nghe Hạc!

Ừ, thì... nhớ! Bắt đầu - kéo màn:

Khớp con ngựa ô – Giơ chân phải lên, quay cổ chân đủ ba vòng rồi bước tới - Ngựa ô anh khớp – Giơ chân trái lên, “huơ” đủ ba vòng rồi... đặt xuống! Vậy thôi, và cứ thế. Hoạt cảnh chứ đâu phải múa! - Ú ư ừ ứ ư: liếc chú rể rồi.. cười! Dễ ợt, những động tác ấy tôi thực hiện vượt mức yêu cầu. Hai chiếc lọng có tán tua rua do hai “lính lệ” cầm che cho cô dâu, chú rể. Theo sau là một bầu đoàn thê tử “ăn theo”, thể hiện đâỳ đủ cảnh “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Chú rể dĩ nhiên cũng phải “huơ huơ” cẳng theo làn điệu dân ca làm mâm cau trầu đang ôm trước bụng cũng “huơ huơ” nẩy lửa. Lễ gia tiên. Cô dâu chú rể quỳ lạy trước bàn thờ và cầm tay nhau nói lên sự ưng thuận của đôi bên trước vong linh tổ tiên. Bái nhang xong, dĩ nhiên là Khánh nói trước. Không ngờ Khánh đã lấy lại cái lém lỉnh thường ngày nên “coi xoàng” luôn bài bản của đạo diễn. Tôi cứng người khi nghe hắn nói:

- Hạc ạ! Anh mong rằng em cũng sẽ làm cô dâu để anh làm chú rể trong thực tế ngoài đời.

Giận đẽ sợ! Giá không phải đang ở trên sân khấu thì tôi đã “huơ huơ” cẳng để... đạp cho hắn một cái. Ðây chỉ là một tiết mục văn nghệ trong buổi liên hoan tất niên của trường. Khánh và tôi được chọn làm nhân vật chính chẳng qua do cái bề ngoài “Bô-ê-Ben”. Ở trong lớp, tôi vốn có tiếng là “con nhỏ khó chơi”. Tôi sẵn sàng đốp chát, nện lại những tên con trai ưa chọc ghẹo. Vậy mà, giờ đây Khánh dám... giỡn mặt. Ðến lượt tôi, đáng lẽ phải cầm tay Khánh, tôi bèn “cầm nhầm” ngay mạng mỡ của hắn để “vặn... suyệc-vôn-tơ” đúng năm nấc theo nhịp “ứ ư ừ ứ ư” trong bài hát. Khánh oằn người chịu đau, không dám rên một tiếng làm nhỏ Tuyết đang sắm vai bà già cứ bụm miệng cười rúc rích. Khớp con ngựa ngựa ô... đám rước đi xuống khỏi sân khấu, chú rể mâm cau, cô dâu chai rượu đi mời lần lượt từng quang khách. Thầy hiệu trưởng cười rung cả mớ tóc bạc, luôn mồm: “Khá lắm! Khá lắm... Có dậy chớ” - Mời trầu rượu xong lại tiếp tục co cẳng đi... cà nhắc vào hậu trường.

Khánh cởi áo ngay trước mặt tôi. Lịch sự có thừa – Tôi thầm nghĩ nhưng vội trố mắt ngó hắn đang đứng trước gương vừa mân mê vừa... chiêm ngưỡng cái “núm” suyệc-vôn-tơ màu... tím nơi mạng mỡ...

- Hạc “ác” ghê!

Kệ hắn, tôi ghé tai nhỏ Tuyết thầm thì:

- Tao vặn đúng năm tấc: Ứ ư ừ ứ ư...

Nhỏ Tuyết bò lăn ra nền nhà cười đến chảy nước mắt. Khánh “quê” quá, lỉnh mất. Tiếng cười của chúng tôi chìm lỉm giữa muôn ngàn âm thanh huyên náo. Tiếng rộn rã ngoài sân trường. Giọng một tên con trai nào đó đang lè nhè đọc sớ táo quân trên loa phóng thanh ngoài sân khấu... Cô Tuyến ập vào hậu trường với nét hoảng hốt còn đọng tên khuôn mặt:

- Em có sao không Hạc?

Tôi ngơ ngác:

- Có gì vậy cô?

- Trời đất! Vậy mà thằng Khánh chạy lên báo với Ban giám hiệu là em bị xỉu rồi lên cơn động kinh, đang... co giật trong hậu trường.

Nhỏ Tuyết lại được dịp cười lăn. Cú “đá giò lái” của Khánh kể ra cũng thâm hậu bởi theo cô Tuyến thì thầy hiệu trưởng đang cuống cuồng điều xe để chở tôi đi cấp cứu. Giỡn mặt với... bố già kiểu này, tôi sợ Khánh sẽ bị kỷ luật (...ơ mà hắn vừa “khều nhẹ” tôi. Việc gì tôi phải lo cho hắn nhỉ?!).

Tự nhiên tôi bật hát như bị... “chập điện”: "...Anh khớp ta hẹn nhau... Ứ ư ừ ư ứ ư. Ði qua suối đợi – Trở lại đồi mơ... Ứ ư ừ ứ ư..."

shevchenbe90
27-11-2008, 08:18 PM
48 giờ yêu nhau
T/g: Hà Thanh Phúc - www.svduhoc.org

Trời hôm nay có mưa. Những giọt mưa nghiêng nghiêng tựa như muôn vàn nước mắt của thế gian đang rơi xuống. Buồn. Gió lạnh từng cơn thổi qua khung cửa. Ngoài đường, những dòng người hối hả lao đi........

Hôm nay là thứ bảy. Những ngày cuối tuần thế này, tôi thường đi cà phê, nhưng hôm nay thì không. Thôi gặm nhấm cô đơn bằng ly cà phê đắng mà bằng những cơn mưa cuối mùa...

Thói quen cà phê một mình của tôi đã được bao lâu rồi? À, lẩm nhẩm, lẩm nhẩm, một năm ba tháng mười ngày, kể từ cái hôm chia tay anh. Nhanh quá, mới đây mà đã chừng ấy rồi sao? Lắm lúc tôi giật mình lo sợ mình mất đi ý niệm về thời gian. Anh đã có người yêu mới. Anh vẫn vui cười đi ngoài đường và không hề gọi cho tôi một cú điện thoại nào. Vậy mà, tôi vẫn chờ, vẫn đợi. Một sự đợi chờ rất kỳ lạ và mơ hồ. Mong mỏi nhận được một cú điện thoại từ anh vào mỗi ngày thứ bảy... Đợi rồi thất vọng. Nhiều khi tôi tự hỏi mình đang đợi chờ cái gì?

Mỗi ngày tôi đều đọc đi đọc lại những bức thư anh từng viết cho tôi. Tất cả chỉ là một cái gì xa xôi của quá vãng. Đọc xong rồi cười, rồi lại bật khóc...

Đã nhiều ngày tháng, tôi rơi vào tâm trạng trống rỗng. Không rõ buồn hay vui, trong lòng cứ rỗng tuếch, tôi đi và về như một chiếc bóng. Tôi tự thu mình trong một cái vỏ và vĩnh viễn không bao giờ muốn ai phá vỡ nó. Lắm lúc, khi một mình trong căn phòng hẹp, tôi sợ hãi mơ hồ. Tôi đã quá yếu đuối, đã quá tệ hại khi trở nên thế này phải không? Nước mắt tôi trào ra... Không rõ mình có phải đang khóc không? Cảm xúc cũng trở nên mơ hồ...

Lát sau thì trời tạnh. Đứa bạn thân rủ: “Đi cà phê! Tao buồn quá!”. Lát sau nữa thì hai đứa có mặt ở một quán cà phê quen. Ít ra thì hôm nay, tôi không hoàn toàn là một kẻ cô đơn.

Tôi lấy muỗng khuấy nhẹ ly cà phê đen sánh. Hớp một ngụm, đắng nghét đầu lưỡi. “Cà phê đắng quá mày ạ!”. Tôi nhăn mặt bảo.

“Ừ, sao mày lại uống?”. Tôi bật cười: “Cũng giống như tao chấp nhận việc đợi anh...”. Nó ngán ngẩm lắc đầu: “Tao không có ý kiến nhiều chuyện tình yêu của mày, vì dù gì, tao cũng chỉ là bạn thân của mày. Tao chỉ cho mày biết cảm nhận của tao, thế thôi. Tao không muốn đứa bạn thân của tao khổ”. Nó lặng đi ít phút rồi tiếp: “Vì bản thân tao đã quá khổ vì tình”. Tôi mới giật mình nhớ ra, bạn mình đã trải qua mấy lần dang dở. Nó yêu hết mình, tôi vẫn nhớ cái lần tôi khuyên nó: “Mày yêu gì yêu cũng nên giữ lại chút gì cho mình”. Thế rồi nó phớt lờ, nó bảo: “Mỗi người có cách sống khác nhau. Đối với tao, yêu là trọn vẹn”. Rồi khi nó điện thoại cho tôi và nức nở. Tôi chỉ thấy thương nó hơn bao giờ hết. Vội chạy sang chở nó đi cà phê, đi vòng vòng. Lúc ấy, nó luôn nói: “Chỉ có mày, một đứa không có bồ mới sẵn sàng chở tao đi khi tao đau khổ nhất!”. Rồi một hôm, nó bảo: “Tao sẽ không yêu nữa mày ạ”. Tôi thở nhẹ, ừ, thà như thế tốt hơn. Tình yêu? Ừ, tình yêu là gì mà sao mọi người ai cũng phải đau khổ, cũng đớn đau?

Nhưng đó cũng chỉ là một công bố nhất thời khi người ta đã mất mát quá nhiều vì yêu. Bản thân con người, tận sâu trong tiềm thức, yêu vẫn là một nhu cầu, một khao khát lớn lao. Rồi nó lại có người yêu. Nó nói với tôi: “Tao không thể nào thực hiện được lời đã nói, tao cần một tình yêu. Tao không biết sẽ ra sao, nhưng tao đã đón chờ sẵn cuộc chia tay!”. Tôi lắc đầu, tại sao dẫu biết là đau khổ nhưng người ta vẫn lao vào. Con thiêu thân cũng thế, lao vào ánh sáng để rồi chết đi...

***

Trong một lần tha thẩn trên mạng, tình cờ tôi vào blog của một người con trai có khuôn mặt góc cạnh. Đọc hết những dòng nhật ký của một người dưng, vậy mà khi không lại bật khóc. Ừ thì, cái chuyện chia tay có phải là của riêng ai? Người nào cũng có một góc cô đơn trong tâm hồn. Tôi để lại dòng comment: “Xin cám ơn anh”.

Tôi quen biết anh từ dạo đó.

Kể từ đó, tôi thường xuyên vào blog của anh như một thói quen, chỉ để lại dòng comment “Cám ơn” sau mỗi bài viết.

Có lần, anh viết: “Tình yêu khiến người ta hạnh phúc, nhưng cũng khiến người ta đau khổ. Có lẽ, ta sẽ cô đơn, sẽ thấy tan nát nếu mất đi tình yêu, đừng né tránh nỗi đau, hãy đối đầu và làm bạn cùng nỗi đau và đơn côi. Rồi có lúc, ta sẽ bước qua được cái ranh giới nhỏ nhoi”.

Tôi không biết mình có bước qua được cái ranh giới mà anh nói hay không. Lòng vẫn băng giá lạnh căm.

Một hôm, anh viết e-mail cho tôi hỏi: “Vì sao lại cám ơn anh?”. Tôi trả lời: “Vì những gì anh viết!”. Tôi trở thành một người bạn của anh. Chúng tôi nói với nhau nhiều. Về quá khứ của mỗi người, về tình yêu...

Đối với tôi, anh là một người bạn ảo. Người ta có thể dễ dàng nói ra tất cả những gì bình thường người ta không thể nói khi bước vào thế giới diệu kỳ này. Hơn nữa, anh ở tận nước Nhật xa xôi...

http://tintuconline.com.vn/Library/myImages/5/2007/04/Anhgoc/tuyet.jpg

boycoj_1312
28-11-2008, 01:11 AM
Không ngờ nhỏ Linh lại có ý nghĩ trùng khớp tôi: giá mà được chết...

Bốn ký đầu mực cắt hai mắt, rửa sạch đủ để hai bác cháu tôi ngồi kháo chuyện một lúc. Đầu tiên là bàn chọn phương cách để có thể chết được nhẹ nhàng, gọn ghẽ nhất: thuốc sâu. Bị gạt ngay vì mình là người chứ có phải con sâu đâu! Cũng còn ngon khi nhớ được mình là người. Không có bọn người khổ cực từ khuya tới giờ này, trưa nay trăm khách ăn của quán có mà đói.

Con Linh cười: không đói mới lạ đá. Nó vội nên đã lẹo lưỡi: Bác làm chỗ này, con mần cá... Nó hỏi tôi giá mua mớ cá, rồi phán: giá năm ký cá bằng nửa ký sầu riêng, mấy ông nhà bè có mà nhảy sông tự vẫn (nó vẫn hay có lối nói tắt mà nếu ta không xét ngữ cảnh thì hiểu trật lất. Nhà bè đây ý nói những người nuôi cá trong bè trên cất thành nhà ngoài sông chứ không phải ở cái huyện Nhà Bè của TP.HCM).

Tôi vẫn theo đuổi đề tài cũ: mấy chả có nhảy lầu chứ dân sông nước làm sao chết chìm cho được. Bác nói chứ lầu đâu mà nhảy (quán có mỗi cái bancông chắn tạm làm nơi ngủ cho nhân viên nữ, lên xuống bằng cái thang tre cao ba mét). Tôi phì cười. Báo sáng nay có đăng tin hai cha con nhảy lầu chung cư chết tại chỗ. Thằng con mới bốn tuổi. Linh hỏi: sao họ phải chết? Báo đăng vừa ly dị vợ. Linh hỏi dồn: nhảy từ lầu mấy bác. Khoản này tin trên báo không thấy, tôi nói chắc họ sợ những người muốn chết như bọn mình bắt chước. Tôi nghĩ đến mấy cái chúng cư dưới đường siêu tốc trên đường đi chợ đầu mối mỗi ngày: phải lầu bảy. Chết vậy ngon chứ lỡ làng không chết được, một thân một mình nằm viện tốn kém, mệt mỏi lắm.

Im lặng một lúc. Rồi tôi kể về cảm giác hồi hộp khi nhảy từ độ cao chỉ khoảng bảy mét xuống biển ngoài Hòn Tằm, Nha Trang. Ra đứng nhìn xuống đã thấy sợ. Tim đập thình thịch. Chừng nhảy thì nhắm tịt hai mắt, đâu có thấy được gì... Lầu bảy phải trên hai mươi mét sâu, thấy người đi bên dưới chắc còn nhỏ như mấy con mực này.

Tôi nghĩ nguyên cớ đưa đẩy Linh đến ý tưởng muốn chết chắc là do túng quẫn mà nên. Thấy thua kém không bằng Hiền, đang nghỉ vì có mẹ và chị từ Đài Loan về. Lương tháng không đủ cho cái miệng hay ăn quà vặt. Thêm cái di động không biết dùng gọi những đâu mà quay đi quay lại mất tháng cũng trăm ngàn. Mặt trái của kinh tế tiêu dùng là đây. Không phải ai cũng có thể hiểu biết và làm chủ được đồng tiền. Họ luôn bị thiếu... Nói như Linh vẫn nói khi gấp gáp: không thiếu mới lạ đá. Linh nghĩ về tôi, như sau này nó thú nhận: ông bác mình làm quán không hiệu quả, nợ đòi. Thêm vợ bỏ nên thèm được chết. Tính ổng hay cà rỡn, thực hư không biết như thế nào?...

Câu chuyện trên rốt lại chỉ còn của riêng tôi. Cả chốn thiên đường hoa lá và đám tiên nữ đẹp xinh ngang bằng vợ tôi. Tất nhiên thôi, tốt người như tôi, cao trên một mét bảy mươi lăm, không mập không ốm quá độ, một khi mà chết được... dù chỉ một lúc thôi, tất nhiên hồn phách cứ là xách vé qua cửa thiên đường. Còn Linh thì tuyệt nhiên không chủ động nhắc tới cũng như không theo chuyện mỗi khi tôi khơi gợi ra nữa. Nhà nghèo, cha mẹ không đủ sức lo chuyện ăn học cũng như dạy dỗ, nó không đủ tầm để hiểu, mà có lẽ nó cũng không cần hiểu. Cũng là người mà sao lại có thể cực như trâu mà nhục quá chó. Lặng lẽ nó thông báo: chắc tháng sau con nghỉ làm với bác. Tôi đoán chắc bồ nó kiếm việc làm khác ở quán bia...

Tất nhiên, không có ai nhảy lầu cũng như cột tay đằm sông mà chết hàng đám. Bằng chứng là báo không có đưa tin chỗ quán 5+1 ở đầu cầu Chán Hôn vừa có người chết vì tự tử. Và tôi, rõ ràng là người viết những câu những dòng truyện này. Nhưng sáng rồi, khi tôi giao hai lượt bia, khách là ông chú Bảy bảo mày bán bia mà không uống phụ chú miếng nào, chừng uống ông lại bảo phải cạn ly tụi tao mới trả tiền thì nhỏ Linh phát giác: bác Sáu vừa chết được một lúc đó. Tôi đã nằm ngay chừ một lúc giữa giờ quán đông nghẹt người đến ăn cơm trưa. Một chuyện không bao giờ tôi muốn nhắc tới.

Truyện ngắn 857 chữ của LÊ ANH THU.

shevchenbe90
17-12-2008, 05:28 PM
2 đô la và 1 giờ



Một người cha đi làm về rất muộn, mệt mỏi và bực bội sau một ngày bận rộn ở cơ quan. Ông vừa về đến nhà, đứa con trai năm tuổi đã ngồi chờ từ lúc nào và hỏi:

- Bố ơi, con hỏi bố một câu được không?

- Được chứ, con hỏi gì - Ông bố đáp.

- Bố ơi, bố làm được bao nhiêu tiền một tiếng đồng hồ?

- Đó không phải là việc của con. Mà tại sao con lại hỏi một việc như thế hả ? - Ông bố hết kiên nhẫn.

- Con muốn biết mà - đứa con nài nỉ.

- Nếu con cứ khăng khăng đòi biết, thì bố sẽ nói. Bố làm được hai đôla một giờ đồng hồ.

- Ôi - đứa bé rụt rè hỏi - bố cho con vay một đôla được không?

Ông bố rất bực mình:

- Nếu lý do duy nhất con muốn biết bố làm được bao nhiêu tiền chỉ là để vay mà mua mấy thứ đồ chơi vớ vẩn, thế thì mời con đi ngay vào phòng mình và ngủ đi. Hãy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ đến thế! Bố làm việc vất vả cả ngày, và không có thời gian cho những chuyện ấy đâu!

Đứa bé đi vào phòng đóng cửa. Ông bố ngồi xuống càng nghĩ càng cáu. Tại sao đứa con lại dám hỏi mình một câu như thế chứ?

Một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố nghĩ có thể đứa con rất cần tiền để mua một thứ gì đó, và nghĩ rằng mình đã quá nghiêm khắc với nó. Ông đi vào phòng con:

- Con ngủ chưa?

- Chưa ạ, con còn thức! - cậu bé nằm trên giường đáp.

- Bố suy nghĩ rồi, có thể bố đã quá nghiêm khắc. Đây là một đôla cho con.

Cậu bé cầm lấy rồi thò tay xuống dưới gối, lôi ra thêm mấy tờ tiền lẻ nữa.

Ông bố thấy con có tiền từ trước lại cáu. Khi đứa con xếp thành một xếp tiền ngay ngắn, ông bố càu nhàu:

- Tại sao con lại vay thêm tiền khi con đã có rồi?

- Vì con chưa có đủ ạ! - Bỗng đứa trẻ ngẩng lên vui sướng - Bây giờ thì con có đủ rồi! Bố ơi, đây là hai đô la, con có thể mua một giờ trong thời gian của bố không?

shevchenbe90
01-05-2009, 08:37 PM
Cho tớ làm mới topic phát,lâu lâu đọc 1 mẩu truyện cũng thấy hay đấy chứ




THẰNG MẤT GỐC

Truyện ngắn của Đỗ Hoàng Ngọc Ánh

Hắn đã là chủ nhân của một chiếc Rebel láng coóng. Niềm mơ ước của hắn đã được thực hiện. Giờ đây hắn có thể nghễu nghện điều khiển cái xe trên 7000 đô la trước ánh mắt ghen tị của mấy đứa cách đây mấy hôm còn cười mũi khi hắn lóc cóc trên chiếc xe đạp. Chiếc xe này được mua với mục đích chính là để làm phương tiện cho hắn có thể về quê. Về quê, chỉ nghĩ đến hai từ đó thôi cũng đủ để hắn phải ái ngại. Quê hắn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng, là một cực hình với một người sống ở thành phố từ thủa lọt lòng như hắn. Hồi bé, hắn đã bị khắc sâu vào tiềm thức hình ảnh đáng sợ đó. Hắn chẳng thấy có gì đẹp ở những luỹ tre xanh hay ở những mái đình cổ kính, hắn đâu phải sinh viên kiến trúc để mà thấy đẹp. Quê hắn, một vùng đầy ruồi muỗi rắn rết với ngồn nước ăn chủ yếu là nước mưa, tắm giặt với cái giếng đào chỉ cách khu nghĩa địa trên 300 mét theo đường chim bay và chỉ có nước vào mùa mưa. Quê hắn, với khu cầu tõm đáng nguyền rủa, nơi mà cách đây 13 năm hắn đã ngã thẳng xuống làn nước mưa đục ngầu với đàn cá đang tranh nhau những chất thải của hắn. Quê hắn, với quãng đường trên 140km trong chiếc xe khách bẩn thỉu, chật chội, lúc nào cũng ám ảnh một nỗi lo bị móc túi hay bị trấn lột. Quê hắn, với những con chó dữ tợn, chỉ chực xô vào khách để cắn ngập răng, với những bọn luôn lăm le bắt nạt những người từ xa tới. Quê hắn, với những con đường lầy lội, ngập trong những bãi phân trâu hôi thối, với những con mương nhờ nhờ, lều bều vài cọng rác mà hắn thấy có người làm nơi rửa trong khi cách đó vài mét là một thằng bé đang kì cọ cho một con trâu…

Còn bây giờ, khi hắn đã là sinh viên năm thứ hai của trường y, thì quê hắn vẫn là nơi hắn lẩn tránh. Năm ngoái, hắn bận thi đại học, thi xong lại ốm một trận nên không cùng bố mẹ về được. Năm nay, bố hắn bận một chuyến làm ăn dài bên Pháp, hắn phải đưa mẹ về cho kịp hội làng. Bố mẹ hắn là người cùng làng, sau lên Hà Nội làm ăn, gặp dịp phất lên như diều gặp gió. Nên năm nào bố mẹ hắn cũng đưa hắn về thăm lại làng quê ít nhất một lần. Hắn bận học nên chỉ có thể về vào dịp hè, ngày tết hắn còn bận đi thăm các thầy cô giáo cả cũ lẫn mới suốt ngày. Dù hắn đã vẽ ra hàng đống những lý do chính đáng nhưng vẫn phải chấp nhận chịu đựng vài ngày trong một năm sống ở cái thế giới đáng sợ ấy. Không phải là hắn không biết phải kính trọng nguồn gốc của mình, những người họ hàng lên chơi vẫn được hắn đối xử lễ phép. Nhưng hắn thấy cuộc sống dưới quê không phải là dành cho hắn. Người ta không thể nào chỉ vào con quạ mà nói rằng đấy là con công được. Hắn thấy quê hắn lạc hậu và nghèo nàn thì hắn bảo rằng lạc hậu và nghèo nàn, không một lời khen ngợi. Người ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật chứ!

Hồi bé, sau những tai nạn kinh hoàng đã khiến hắn ốm mất mấy tháng, bố hắn phải dụ hắn về quê bằng bãi biển cách nhà hơn 13 cây số. Hồi đó hắn háo hức lắm, nhưng giờ nhớ lại hắn thấy nó chẳng giống bãi tắm chút nào. Bãi gì mà nông choèn, vắng hoe, chỉ thấy đàn vịt với một đứa trẻ cởi truồng đội mũ nan cùng vài người đi bắt tôm cá bằng những thứ dụng cụ thô sơ có từ thời thượng cổ. Bây giờ, không có gì có thể dụ hắn được, hắn ý thức được nghĩa vụ của mình, nhưng một thứ bản năng nào đó cứ khiến hắn phải tìm mọi lý lẽ để chiến đấu với chính mình. Dẫu sao, hắn vẫn là một người con tốt.

5 rưỡi sáng một ngày hè, hắn bắt đầu một chuyến hành trình hai ngày cùng với mẹ. Chiếc xe phân khối lớn rất hùng dũng đã mất đi phần nào sự oai nghiêm của mình khi một túi bùng nhùng những bánh kẹo hương hoa được buộc chặt phía sau. Không biết có xước tí sơn nào không, hắn vừa lầm bầm vừa khoái trá xiết tay ga cho chiếc xe gầm lên. Xe xịn, vừa qua thời chạy rôđa, giờ thả sức phóng trên quốc lộ mới sửa, thật không còn gì thú vị bằng.

Vào đến làng, hắn phải rất chăm chú mới có thể tránh hết được những đống chất thải bừa bãi cùng với những con trâu to lớn, chủ nhân của những bãi chất thải kia. Mẹ hắn luôn mồm chào hỏi mọi người, hắn chẳng nhận ra ai với ai, cũng phải luôn miệng chào theo. Mẹ hắn gọi là chú thì hắn gọi là ông, mẹ hắn gọi là anh thì thì hắn cứ xét độ tuổi và cách xưng hô của người đó mà chào rất lễ phép. Nhờ trời, bao nhiêu người trong làng cũng không thấy ai phản đối cách chào hỏi máy móc này, mặc dù có khi hắn còn chưa nhìn thấy mặt bác tiền bối kia.

Mẹ hắn phải chỉ đường chán hắn mới vào được nhà. Khi hắn về đến đầu làng thì người làng đã biết tin hết cả, mới dừng xe lại đã có một đám đông những nông dân chất phác (có lẽ còn hơn cả Quách Tĩnh trong truyện của Kim Dung) bu lấy chiếc xe như thể cách các nhà khoa học bắt được một sinh vật ngoài vũ trụ. Quả thật hắn đứng đó, so với những người xung quanh cũng đáng để nhận xét như vậy. Hắn mặc áo sơ mi trắng, quần kaki túi hộp nhét trong chiếc giày đinh cao cổ, mắt đeo kính rayban, chiếc mũ bảo hiểm đã bỏ sang bên cạnh khiến bộ đầu đinh thể hiện sự dữ tợn hơn bao giờ hết. Còn lại, ngoài mẹ hắn ra, đều chỉ một màu nâu lam lũ. Bọn trẻ con chỉ trỏ, thì thào, cười rúc rích, sằng sặc… như thể hắn có một cái mũi đỏ của một anh hề trong rạp xiếc. Hắn lại lầm bầm, lầm này bằng mấy câu tiếng Mỹ hắn học được qua các phim bạo lực, lỡ có ai nghe thấy cũng không hiểu hắn nói gì. Mẹ hắn đem bánh kẹo ra chia cho đám trẻ, chờ bà nội hắn cho phép mới cùng mọi người vào nhà mới. Nhà mới có nghĩa là căn nhà do bố hắn xây hồi hè mấy năm trước. Lúc đó bố hắn định xây ba tầng, nhưng sau cuộc họp của các cụ bô lão, bố hắn nhận được một quyết định: “Không một ngôi nhà nào được cao hơn mái đình làng”. Bố hắn đành xây một cái nhà rộng nhưng chỉ cao có 5 mét, xây 2 tầng thì quá thấp, mà xây một tầng thì quá cao, thành ra nó là một ngôi nhà tầng có gác xép. Lạ nhất là mọi người đều không ai ở trong căn nhà này mà chỉ để khi nào khách đến mới tụ tập ăn uống ở đó. Còn lại vẫn sống trong ngôi nhà cũ, cái nhà bé bé bằng lỗ mũi, lại làm bằng gỗ, mối mọt gần hết mặc dù đã được lát lại sàn.

Hắn lấy cái cớ lái xe mệt, lăn ra ngủ, thực ra hắn chỉ cố giả vờ ngủ thôi, chứ ai có thể ngủ được khi ngay bên cạnh mình là một đám đông ồn ào cười nói rất tự nhiên, hỏi nhau bằng đủ thứ giọng đúng ngần ấy câu hỏi giống hệt nhau, rỗng tuếch, dù không có chút gì khách sáo và thì thào đủ thứ chuyện về đủ các loại bí mật của các gia đình trong làng ngoài xã. Thật là quan tâm nhau hết sức. Ngôn ngữ nhà quê, hắn lầm bầm.

Đến bữa cơm, hắn ăn một cách rất gượng ép. Bữa cơm tuy rất đầy đủ song những con ruồi ở đây quá bạo dạn, gió thổi mạnh như vậy cũng không làm cho chúng mảy may hoảng sợ.
Cơm nước xong xuôi, biết mình không thể ngủ được, hắn đi rửa mặt, nín thở khi nghĩ đến những ngôi mộ cách đấy mấy trăm mét, nhăn mặt khi nhìn những con cá quẫy nhẩy lung tung dưới ao, có lẽ con cá rán vàng rộp lúc nãy cũng từ những cái ao này mà lên, may mà hắn không ăn nhiều.

Buổi chiều đó hắn đưa mẹ hắn đi khắp họ. Hình như ai cũng có họ với nhau nên ngõ nào mẹ hắn cũng rẽ vào, nha nào mẹ hắn cũng chào hỏi. Hắn lại áp dụng công thức ban sáng, quả nhiên hiệu nghiệm. Chỉ xót cái xe mới, chưa được 5 chục mét đã phải tắt máy, rồi cũng chưa nóng chỗ đã phải khởi động. Những nhà tuy là gần nhau là vậy nhưng nhìn đồng hồ mới biết trong một buổi chiều hắn đã đi trên chục cây. Mãi đến tối mịt mới về đến làng. Có lúc suýt húc phải một con trâu to đùng ở một chỗ rẽ, hắn bóp côn, đạp lún cả phanh sau, chiếc xe đang tăng ga để lên dốc, sựng lại gầm lên, đèn pha sáng cả một vùng khiến thằng bé chăn trâu hoảng sợ nhường đường. Nếu hắn còn bé, chắc chắn hắn đã bị bọn này đánh cho một trận chứ chẳng hiểu khách đến như vậy. Nghĩ thế, hắn lại chửi rủa, dĩ nhiên là vẫn bằng tiếng Mỹ.

Buổi tối các vị bô lão đến chơi, nhắc lại những câu chuyện từ hồi xa xưa ra kể, có những sự tích có từ thời kháng Pháp, chuyện lính Tây trong đồn bắn súng bừa bãi vào làng làm cả làng phải trú ẩn… Hắn chỉ thấy phục trí nhớ của họ chứ không thấy gì khác.

Hôm sau hội làng, chỉ có mấy cái kiệu khiêng đi khiêng lại. Có khi còn ít náo động hơn cả những buổi ca nhạc của sinh viên trường hắn, thế mà vẫn có hơn nửa làng kéo nhau ra xem.
Chiều đó hắn về, thở dài khoan khoái khi chiếc xe bắt đầu lăn bánh, trong đầu là một kế hoạch tắm rửa giặt giũ quy mô lớn.

Mấy tuần sau, hắn hầu như quên hết chuyến đi này khi bố hắn về, đem theo một thằng Việt kiều. Tên nó là Sơn, sở dĩ nó có tên Việt là do bố mẹ nó đưa sang Pháp từ hồi 5 tuổi, tuy biết chút tiếng Việt song bọn hắn vẫn không thể nói chuyện dễ dàng được. Sơn sang đây là do bố Sơn muốn khảo sát cái thị trường béo bở này, nhân tiện đưa Sơn theo trong dịp nghỉ. Sơn ở lại nhà hắn.

Ngay từ khi mới gặp, hắn đã dấy lên một mối ác cảm với Sơn. Sơn đi rón rén trên vỉa hè, tựa như sắp có một chiếc xe nào chực lao tới đâm vào cậu ta vậy. Vừa đi cậu ta vừa nhìn những chiếc xe dựng bừa bãi cùng với những hàng quán và người lổn nhổn mà cười. Tuy cách biệt về ngôn ngữ, song những ý nghĩ của con người luôn được biểu hiện rất rõ ràng trên mặt. Kiểu cười của Sơn rất đặc trưng, mắt trái hơi nhíu lại ở đuôi mắt, mắt phải lạnh tanh, cơ má trái hơi cử động, mũi thở hắt ra một lượng khí rất nhỏ, chỉ có thể nhận ra khi chú ý nghe. Điệu cười của Sơn diễn ra trong một phần mười giây, tức là còn ít hơn cái nhíu trong một phần sáu giây của ông Xuân Diệu, nếu không phải là người tinh mắt như hắn thì không thể biết được
Sơn rất hay cười như vậy. Lần thứ nhất là Sơn đi từ cửa xe vào nhà hắn, lần thứ hai là vào nhà hắn. Nhà hắn xây lên giá 300 triệu, không kể tiền đất, cũng vào loại lịch sự ở thành phố này, phải cái hơi tối vì chỉ mở được cửa sổ ở hai đầu nhà. Chỉ hơi tối thôi, cũng là một cái nhếch mép.

Hắn đưa Sơn đi thăm các phòng, đến tầng thượng, nơi có một cái ghế tập thể hình cùng với nhiều dụng cụ tập đã từng khiến bọn bạn hắn phải bái phục. Hắn nhận được nụ cười thứ ba.
Sơn ở nhà hắn 2 ngày. Ngủ dậy, cả nhà đã đi làm hết, Sơn và hắn cùng ăn sáng. Thức ăn có bánh mì với pho mát. Sơn nhìn vào cái bánh mì vẻ tò mò nhưng không cười, chỉ khi nhìn thấy những đứa trẻ bán bánh mì dạo, hắn mới nhận được nụ cười thứ tư.

Hắn đưa Sơn đi lòng vòng quanh thành phố, nhìn cái xe máy mới mua, hắn nhận được nụ cười thứ năm. Hắn biết Sơn chỉ quen dùng ô tô chứ loại xe này chỉ để bọn trẻ con làm đồ chơi thôi. Hắn lái xe, cảm thấy hơi thở đặc trưng của nụ cười thứ sáu khi đi qua một con chuột chết và mấy túi rác nằm chình ình giữa đường. Không thấy Sơn cười các loại xe chạy trên đường hay các ngôi nhà mặt tiền nhấp nhô, có lẽ trên đường từ sân bay về Sơn đã biết và đã cười rồi. Nhưng trước dẫy phố được giới thiệu là phố cổ, Sơn rất ngạc nhiên và hắn lại nhận được nụ cười thứ bảy. Hắn cũng thấy đáng cười thật khi có những bức tường quét vôi lại thêm những dòng chữ xiên xẹo trên đó. Không biết Sơn có hiểu ý nghĩ của chúng không mà hắn lại nhận được nụ cười thứ tám. Những ngày còn lại Sơn không ra khỏi nhà, chỉ chúi mũi vào cái máy tính xách tay cậu ta mang theo, gõ lia gõ lịa.

Hôm Sơn về nước, hắn tiễn Sơn ra tận sân bay. Sơn cám ơn rất lễ phép nhưng không giấu được nụ cười thứ chín. Hắn hiểu khi thấy những người đang đứng ngồi lổn nhổn ở cửa sân bay. Nhưng làm gì có ghế đâu mà chả đứng. Làm sao có thể so sánh Hà Nội với Paris được. Nghĩ đến đấy hắn sôi lên một niềm tức giận, bật chửi khi máy bay vừa cất cánh, lần này thì bằng tiếng Việt:
- Thằng mất gốc!

19/6/1999

kẻ xấu
01-05-2009, 08:45 PM
Thank cho Bình phát, Nhưng tớ nghĩ ko nên hạn chế về số lượng chữ. vì đường nào cũng là siêu tầm để trong khung Trích dẫn mà.
Nếu tự tay đánh lên ko để trong khung trích dẫn nhé !