Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    Xuất sư hạ sơn DDT Friend
    Ngày tham gia
    29 Oct 2006
    Đang ở
    Thanh Hóa Anh Hùng
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,147
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Rep Power
    59

    Mặc định Về đề án tăng học phí: Người dân đã đóng góp quá nhiều cho giáo dục

    Ông Nguyễn Thế Long, Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức bách khoa Việt Nam cho rằng hiện nay người dân đã phải đóng góp quá nhiều cho giáo dục. Việc tăng học phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân nên phải tìm hiểu thực tiễn một cách khoa học để đề xuất phương án và lộ trình thích hợp.
    Bộ trưởng GD-ĐT đã trình Chính phủ đề án tăng học phí. Việc tăng học phí sẽ thực hiện trong giáo dục phổ thông, đại học và cao đẳng. Mức trần của học phí đại học sẽ lên đến 900.000 đồng/tháng, gấp năm lần mức học phí hiện hành là 180.000 đồng/tháng. Học phí khối THCS và THPT cũng tăng. Các trường dân lập sẽ được chủ động đưa ra mức học phí tùy theo từng trường. Các nhà làm đề án tăng học phí đưa ra lý do là chính sách học phí tồn tại 8 năm nay đã lạc hậu, thu nhập quốc dân tăng, chỉ số giá tăng, thu nhập của người dân từ nông dân đến cán bộ công nhân viên chức trong thời gian qua cũng tăng đáng kể. Phải tăng học phí để bảo đảm chất lượng giáo dục, có đủ chi phí mới nâng được chất lượng...

    Đóng góp của người dân cho giáo dục hiện nay
    Trước hết hãy nhìn qua sự đóng góp hiện nay của người đi học cho giáo dục như thế nào. Bên cạnh những khoản quy định như học phí, tiền xây dựng trường sở, lệ phí tuyển sinh, thu học nghề (của học sinh phổ thông tại các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp), thu bán trú, học sinh phổ thông còn bị các trường "tận thu" dưới chiêu bài "tự nguyện" như tiền mua quần áo đồng phục hai bộ, phù hiệu của trường, (có trường PTTH còn mua áo mầu cỏ úa, quần xanh, mũ cối để tập quân sự) tiền hỗ trợ quỹ Đoàn, Đội, tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, quỹ Hội phụ huynh học sinh, tiền vệ sinh, tiền điện, tiền các cuộc thi, vui chơi trong trường, tiền tham quan một năm 2 lần, tiền ủng hộ các cuộc quyên góp ngoài xã hội, tiền làm Kế hoạch nhỏ... Với học sinh tiểu học còn tiền thuê người trông trưa bán trú và tiền ăn trưa. Ngoài ra nặng nề nhất là tiền học thêm các môn như Vi tính, Anh văn và các môn Toán, Văn cho giáo viên bộ môn với giá cả khoảng 200.000 đồng/tháng.

    Hầu như tất cả các khoản thu trên đây đều thông qua Ban phụ huynh học sinh, trong trường hợp này thì có cha mẹ nào dám không "tự nguyện", dám không cho con học thêm? Vì con nên họ phải bấm bụng mà chịu chứ họ đều nghĩ trong 12 năm học PT thì 12 năm đều đóng tiền xây dựng trường sở mà trường vẫn như cũ, nhà có một con còn chịu được chứ nhà có đến 2,3 con đi học thì gánh nặng đóng góp cho GD là oằn lưng khốn khổ !

    Căn cứ vào một số tư liệu thống kê như cuốn "Việt Nam - nghiên cứu tài chính cho GD " do Bộ KH-ĐT và Ngân hàng thế giới xuất bản năm 1996: Chi tiêu của các hộ gia đình cho GD-ĐT ở mọi cấp chiếm 43% tổng chi tiêu của cả chính phủ và các gia đình cho GD năm 1994; trên dưới 50% chi phí cho GDPT do học sinh đóng góp. Tỷ lệ đầu tư cho ĐH của ngân sách nhà nước là 69,3%, dân đóng 30,7%; cho THCN là 67,8%, dân đóng là 32,2%. Dân đóng ở bậc học phổ thông cao hơn cả: Tiểu học là 44,5%, THCS là 48,7%, THPT là 51,5%. Với dạy nghề, dân đóng 62,1%. Như thế là trong nhiều năm nay, các gia đình có con em đi học đã đóng góp khá nhiều tiền cho GD rồi. Chưa có nước nào trên thế giới người dân phải đóng góp cho giáo dục nhiều đến thế. Theo Tổng cục thống kê, bình quân chi tiêu cho một học sinh ở thành thị là 1,298 triệu đồng/năm (tương đương 90 USD), ở nông thôn là 370.000 đồng (tương đương 23 USD), nhân số này với số học sinh mầm non: 2,6 triệu, học sinh phổ thông: 17,6 triệu; học nghề: 1,5 triệu, ĐH: trên 1 triệu, tổng cộng khoảng trên 25 triệu học sinh sẽ thấy đóng góp (đầu tư) của dân cho GD là rất lớn, khoảng 2 tỷ USD. Chi tiêu cho GD của nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng, ước tính 2 tỷ USD, tổng cộng chi cho GD là 4 tỷ USD/năm, bằng khoảng 1/10 GDP năm, chưa kể khoản tiền của các dự án cũng không nhỏ, thế mà nay lại còn tăng học phí nữa.

    Theo "Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004 " của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn (xuất bản tháng 12-2003) thì bình quân chi phí cho một học sinh THCS năm 2002 như sau: đóng học phí 72,2 nghìn đồng (học phí của học sinh nông thôn Hà Nội theo quy định là 15 nghìn đồng/tháng, trong 9 tháng là 135 nghìn đồng, các thành phần khác là 180 nghìn đồng); các đóng góp khác 66,7 nghìn đồng; tiền đồng phục 53,1 nghìn đồng; sách giáo khoa 65 nghìn đồng; dụng cụ trường học 56,8 nghìn đồng; tiền học thêm 107,5 nghìn đồng; các chi phí khác 30,3 nghìn đồng; tổng cộng số tiền phải đóng 454,8 nghìn đồng. Những con số thống kê này có thể chưa ghi đủ hết các khoản đóng góp thực tế của học sinh phổ thông song đã cho thấy đóng góp của nhân dân cho GD hiện nay là đã khá nhiều, vậy các nhà soạn thảo tăng học phí định cắt thu nhập của dân bao nhiêu nữa?

    Với sinh viên đại học, ngay trong tháng nhập trường phải tiêu tốn từ 4 đến 6 triệu đồng (bao gồm cả học phí và sinh hoạt). Hơn 50% số sinh viên là từ nông thôn lên thành phố để học, tiền thuê nhà trọ vài m2 cũng giá 300 nghìn đồng/tháng, đến năm nay cũng tăng khoảng 30%, tiền cơm bét nhất cũng 7000 đồng/đĩa, tiền đi lại, giấy bút mọi thứ đều tăng giá, học phí trước đây là 180 nghìn đồng/tháng, thì phí tổn trong một tháng đã khoảng một triệu đồng, (tính ra thóc: 2.000đồng/kg là 500kg, một năm học tốn hết 4.500kg. Một hộ nông dân cấy 1 mẫu thu hoạch 4 tấn rưỡi thóc/năm chỉ đủ cho một con đi học đại học, còn cả nhà trong suốt năm trông vào gì. Nay chỉ số giá cả tiêu dùng hằng tháng đều tăng khoảng 0,6%, nếu học phí tăng đến gấp 5 lần thì họ có thể chịu cho con đi học được không?

    Các trường đại học cũng có rất nhiều khoản thu mà cha mẹ nai lưng ra đưa tiền cho con, không ai nỡ hỏi trường thu những gì. Hiện nay mỗi trường đại học đều có Khoa hàm thụ hay học từ xa, thực chất đấy là một trường đại học tư thục không tuân theo một điều lệ, kiểm tra nào của bất kì cấp nào (gần giống như hình thức bán công ở trường phổ thông). Các giảng viên được phân công để đi dạy ở các tỉnh tùy theo mối quan hệ và nhu cầu, thu nhập của Khoa này không nhỏ, ngân quỹ của các cơ quan địa phương có người theo học được đổ vào đây, nhưng có cơ quan tài chính nào đứng ra kiểm tra thu chi. Tiền thu về của các trường đại học không ít nhưng sử dụng như thế nào là vấn đề cần làm rõ.

    Kiểm tra, phân loại mọi thu chi của giáo dục công khai trước khi bàn đề án tăng học phí.
    Đề án tăng học phí cần phải có cơ sở khoa học để Chính phủ xem xét, đó là: Cần phải kiểm tra lại mọi thu chi trong các trường học từ phổ thông đến ĐH, các sở GD, trong cả ngành giáo dục, phân loại thu chi, để xét xem với số tiền ngân sách đầu tư và số tiền đóng góp của cha mẹ học sinh lớn gần ngang với ngân sách nhà nước cấp, ngành giáo dục đã chi tiêu như thế nào, tiền vay và viện trợ của nước ngoài trong các đề án, tiền lãi hằng năm khoảng 100 triệu USD của Nhà xuất bản Giáo dục, và của các cơ sở kinh doanh khác nữa của Bộ GD-ĐT đã được sử dụng như thế nào?

    Đã đến lúc Bộ Tài chính, cơ quan kiểm toán nhà nước phải góp sức giúp cho ngành giáo dục công khai minh bạch các khoản thu chi trong nhiều năm nay, nhìn thấy khâu nào cần đầu tư bao nhiêu: cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, đào tạo lại người dạy hay mời người nước ngoài, loại trừ những khoản chi thiếu trong sạch và cân đối trong phạm vi tiền ngân sách và tiền đóng góp của dân. Trên cơ sở công khai cho dân biết Bộ GD&ĐT đã sử dụng đồng tiền ấy như thế nào mới có thể đi đến kết luận tăng hay không và tăng bao nhiêu.

    Trong nhiều năm qua ai cũng thấy nước ta là một nước nghèo, nhưng ngành GD đã mỗi năm thay sách giáo khoa một lần, phải mua cả bộ, thi cử, tuyển sinh vô cùng tốn kém thì có tăng học phí bao nhiêu cũng như "gió vào nhà trống" hoặc "ném tiền qua cửa sổ", không ngân sách và dân nào có thể chịu nổi. Kiểm tra lại ngành GD-ĐT trong cả nước đã thu chi cụ thể bao nhiêu tiền là điều kiện tiên quyết trước khi xét đến đề án tăng học phí.

    Đề án phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
    Tăng học phí có liên quan đến đời sống của nhân dân cả nước, cần phải thực hiện theo quy chế dân chủ đã ban hành trong xã hội, nghĩa là đề án tăng học phí phải được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Dân cần được biết Bộ GD-ĐT đã thu thực tế là bao nhiêu tiền của dân, đã chi các khoản cho GD như thế nào, để thấy có hợp lý không. Dân cần được bàn bạc, góp ý kiến qua những việc lấy ý kiến, phiếu thăm dò đã nên tăng chưa, có nhất thiết cứ phải tăng học phí không, tăng học phí có nâng được chất lượng GD như các quan chức Bộ GD nói không, nếu có phải tăng học phí thì cách tiến hành như thế nào, có thật là tăng học phí sẽ dành nhiều ngân sách cho nhà nghèo đi học hay không? Hay đó chỉ là những lời lẽ hoa mỹ cho dễ dàng xuôi đề án moi thêm tiền ở túi dân. Dân làm là để dân hiểu sự cần thiết của việc tăng học phí sau khi đã thông suốt, để vẫn cho con đi học, để không bắt con bỏ học vì học phí quá nặng. Dân kiểm tra xem đề án tăng học phí thực hiện có đúng và đạt những mục tiêu như ban đầu đề ra không? Việc tăng học phí cũng cần phải được Quốc hội thông qua chủ trương sau khi đã được nghe Bộ trưởng GD&ĐT trình bày, sau đó Chính phủ sẽ cụ thể hóa chủ trương này là tăng bao nhiêu cho hợp lý, ngành học nào tăng, ... không thể tiến hành tùy tiện, bất chấp ý dân.

    Bộ GD-ĐT đưa ra lý do có tăng học phí thì mới tăng được chất lượng giáo dục. Có gì để đảm bảo là học phí tăng có tỷ lệ thuận với tăng chất lượng GD, lấy gì để đo được chất lượng GD trước khi tăng với sau khi tăng, và nếu thấy chất lượng không tăng thì tiền học phí đã thu rồi! Nhưng không phải cứ có tiền là tăng được chất lượng giáo dục. Theo như báo cáo của Bộ GD-ĐT thì khâu yếu kém và quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên, không phải là tăng học phí sẽ làm cho chất lượng giáo viên khá lên, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không nhất thiết phải tăng học phí, mà là sử dụng ngân sách một cách hợp lý. Một yếu kém của giáo dục là công tác quản lý ở tầm vĩ mô như chương trình phổ thông nặng, quá tải, chương trình đại học lạc hậu, mô hình giáo dục các cấp cứng nhắc, lạc hậu, thiếu phân luồng, thiếu liên thông, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa thiếu cơ sở khoa học, bệnh thành tích chủ nghĩa, gian dối là phổ biến trong các kỳ thi... đã làm cho chất lượng giáo dục yếu kém thì để đổi mới công tác quản lý không cần phải tăng học phí!

    Bộ GD-ĐT cho rằng tăng học phí để dành phần lớn ngân sách nhà nước chi cho người nghèo. Ai là người nghèo được hưởng ? Có gì đảm bảo đồng tiền của ngân sách giúp được đúng người nghèo học tập có kết quả? Hãy nhìn lại trong xã hội ta, chính sách cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số nhân đạo rành rọt rõ ràng, khó có thể man trá được như vậy, thế mà trong những năm qua đã có bao nhiêu trường hợp man trá, nay việc chứng minh một học sinh là người nghèo thật quá dễ dàng và như vậy thì chính sách tăng học phí dành ngân sách cho người nghèo liệu có thực hiện được đúng mong muốn? Vì vậy đề án tăng học phí phải gắn liền với chính sách trợ cấp cho học sinh nghèo cụ thể như thế nào, phải được soạn thảo cùng một lúc và trao đổi cùng một lần để xem tiền từ ngân sách (là thuế đóng góp của dân) chi cho giáo dục được sử dụng như thế nào.

    Tăng học phí ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày của dân, cần phải được tiến hành theo một quy trình dân chủ như điều tra đời sống số sinh viên đại học, cao đẳng thuộc mọi tầng lớp, nguồn cung cấp sinh sống, số học sinh trúng tuyển vào đại học mà không có điều kiện, số gia đình ở nông thôn và thành thị có con học đại học đời sống chật vật... trên cơ sở đó sẽ đề xuất các phương án và lộ trình thích hợp. Lâu nay trong GD nhưng thay đổi thường vội vàng chủ quan, thiếu cơ sở thực tế khoa học nên những chủ trương đó luôn luôn thay đổi, vì vậy đề án tăng học phí cần phải rút kinh nghiệm có cơ sở thực tiễn khoa học và tiến hành theo quy trình dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
    công an nhân dân,viện kiếm sát nhân dân, tòa án nhân dân,quân đội nhân dân..tất cả đều của nhân dân
    nhưng kho bạc lại là của....nhà nước

  2. #2
    Nhập môn đồ đệ ĐDT Member t-aof's Avatar
    Ngày tham gia
    12 Feb 2006
    Đang ở
    Hà Nội
    Tuổi
    38
    Bài viết
    14
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Rep Power
    60

    Mặc định Re: Về đề án tăng học phí: Người dân đã đóng góp quá nhiều cho giáo dục

    Việc tăng học phí là đúng lộ trình thôi, nhà nghèo mà học giỏi sẽ có chính sách cho vay ưu đãi để học, khi ra trường sẽ trả nợ, như vậy mới khuyến khích học tốt để lập nghiệp
    Nghiện nhưng mà ngoan[MARQUEE][/MARQUEE]

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Các Chủ đề tương tự

  1. 12 ơi, tăng tốc thôi
    Bởi hrockvn trong diễn đàn Tuyển sinh 2009
    Trả lời: 30
    Bài viết cuối: 30-03-2009, 03:51 PM
  2. Tăng Nhật Tuệ không sợ làm nhiều người mất lòng
    Bởi hoangthanh_209 trong diễn đàn Thời sự - Văn hóa - Xã hội
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 01-02-2007, 01:25 PM
  3. Tăng tốc máy tính toàn diện
    Bởi Quanganh trong diễn đàn Tài liệu chia sẻ - Download
    Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 20-01-2007, 10:25 PM
  4. Lương giáo viên sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần?
    Bởi ToanA4_03_06 trong diễn đàn Thông tin tuyển sinh
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 09-12-2006, 10:30 AM
  5. Tăng tốc máy tính toàn tập
    Bởi hrockvn trong diễn đàn Tin học
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 21-07-2006, 02:22 PM

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •