Giáo dục sức khoẻ sinh sản trong học sinh và trẻ vị thành niên

Theo con số thống kê vào năm 2003, dân số tuổi vị thành niên (VTN) 10 - 19 tuổi ở Việt Nam vào khoảng 15,13 triệu người, chiếm 23,1% tổng dân số cả nước. Đây là thế hệ đang bước vào tuổi trưởng thành, chiếm một vị trí hết sức quan trọng quyết định tương lai vận mệnh của đất nước. Nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự giáo dục cả về thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, hàng triệu trẻ em VTN, học sinh đang phải đối đầu đối với nguy cơ và thách thức. Đó là tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn khá phổ biến, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng gia tăng và tình trạng nạo phá thai đang ở mức độ báo động.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta có tới 14.000 ca nạo phá thai ở trẻ VTN (chiếm 10% số người nạo phá thai), đặc biệt có tới 5% trẻ em gái dưới 18 tuổi đã làm mẹ. Hiện tượng lây nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi VTN cũng đang ở mức báo động. Cũng theo thống kê này, có tới 14% số người là trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV/AIDS. Trước thực trạng đáng báo động trên, việc trang bị những kiến thức cần thiết về giới tính, về tình dục cho học sinh, trẻ VTN là hết sức cần thiết.

Đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh và trẻ VTN

Tuổi VTN là giai đoạn có những biến đổi mạnh cả về sinh lý và tâm lý trong đời sống con người. Cái mốc quan trọng nhất trong giai đoạn này là tuổi dậy thì. ở giai đoạn dậy thì, dưới tác dụng của hoóc môn tuyến yên và tuyến sinh dục, cơ thể trẻ em có hàng loạt biến đổi về hình thể, về sinh lý và tâm lý. Theo các nhà tâm lý học, tuổi dậy thì của nữ giới dao động từ 12 - 14, với nam giới từ tuổi 14 - 16. ở lứa tuổi này hệ thần kinh thiếu cân xứng, quá trình hưng phấn thường mạnh hơn quá trình ức chế nên tinh thần của trẻ thất thường: nóng tính, khả năng tự kiềm chế kém, bộp chộp và cảm xúc hay thay đổi kiểu “sáng nắng, chiều mưa”.

Do sự biến đổi về thể chất, các em hay mơ màng và rất dễ bị kích thích bởi những gần gũi giữa nam và nữ. Điều đặc biệt là các em có tâm lý muốn làm người lớn, thích sống độc lập, thích tự khẳng định mình.

Trên cơ sở những hình mẫu học hỏi từ người lớn, các em bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan của riêng mình. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn trong quá trình nhận thức của các em. Cái gì tốt? Cái gì là xấu? Việc gì nên làm, việc gì nên tránh? Trong quá trình tự khám phá, tự tìm hiểu để có cuộc sống độc lập, trẻ VTN rất dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống của xã hội, gia đình và nhà trường. Bạn bè đối với trẻ VTN nói chung và học sinh nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng, nhiều khi quan trọng hơn cả cha mẹ và thầy cô giáo. Do vậy, các em thường có thái độ đối phó với người lớn, đặc biệt là những người có quan hệ gần gũi với mình. Trẻ luôn ý thức một điều, rằng đây là cuộc đấu tranh giữa hai thế hệ. Người lớn hay áp đặt, coi thường trẻ VTN, quy cho các em tội “trứng khôn hơn vịt”. Về phía trẻ VTN, các em được tiếp cận với nền khoa học hiện đại, vốn thông tin đa chiều nên những định kiến của người lớn nhiều khi trở thành rào cản trong quá trình nhận thức của trẻ. Phải đặt mình vào vị trí, môi trường sống của trẻ, phải thực sự là người bạn tâm giao của trẻ thì chúng ta mới có thể tìm được tiếng nói chung với các em.

Trong đời sống tâm lý của các em có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa nhu cầu muốn khám phá chính bản thân mình cũng như bạn bè khác giới. Bên cạnh đó, lối sống buông thả của những người xung quanh và sách báo, phim ảnh đồi truỵ luôn rình rập, đe doạ tâm hồn non nớt của trẻ, đẩy trẻ vào trạng thái hoang mang, dằn vặt thậm chí có thể dẫn tới những rối loạn về cảm xúc - một trạng thái của bệnh tâm thần . Tóm lại, độ tuổi VTN không phải là dài so với đời người, nhưng lại có nhiều biến động về tâm lý, nó biểu hiện ở những khía cạnh tâm lý hết sức nhạy cảm. Trí tuệ phát triển, tiếp thu cái mới một cách nhanh nhạy nhưng kỹ năng phân tích đúng sai còn hạn chế. Những thay đổi về tâm sinh lý làm cho trẻ VTN bị phân tán tư tưởng khó tập trung trong việc học hành. Đứng trước đòi hỏi của thực tế, Viện khoa học dân số, gia đình và trẻ em đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình (DS/SKSS/KHHGĐ) cho học sinh THPT và VTN trên địa bàn 5 tỉnh thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam. Với 3402 em tham gia trả lời các câu hỏi về giới tính, tình dục, tình bạn, tình yêu, phòng tránh thai, phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua con đường tình dục... Cuộc khảo sát đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh và đời sống tâm, sinh lý của học sinh THPT và VTN Việt Nam hiện nay. Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận, rằng:

- Đa số học sinh THPT và VTN (94,4%) có nghe nói đến tuổi dậy thì, tuy nhiên vẫn còn 25,5% VTN chưa bao giờ nghe đến khái niệm này.

- Đa số các em nhận thức đúng về điều kiện có thai đối với phụ nữ là do quan hệ tình dục, tuy nhiên vẫn còn 1,8% các em cho rằng, nói chuyện, cầm tay, ôm hôn là có thể có thai, chỉ có 10,6% đối tượng nghiên cứu biết được giai đoạn dễ có thai trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

- Có đến 97,7% các em được hỏi đều trả lời rằng, không nên có thai ở tuổi VTN, nhưng vẫn còn tỷ lệ nhỏ (2,3%) đồng ý với việc nên có thai ở tuổi VTN.

Có 68% các em trả lời là nạo, phá thai dễ dẫn đến hậu quả vô sinh và 60,9% cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, trong khi đó vẫn còn 14,2% các em không biết việc nạo phá thai là nguy hiểm. Tỷ lệ các em biết các biện pháp phòng tránh thai khá cao, nhận thức về HIV/AIDS sẽ lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tới 99% số người được hỏi.

Chương trình nghiên cứu còn cho thấy, có 84% các em trả lời là không nên có người yêu khi còn ở độ tuổi VTN và 79,9% không đồng ý với việc quan hệ tình dục trước khi cưới. Tuy vậy 11,1% các em vẫn còn băn khoăn chưa thể hiện rõ thái độ của mình và 9% các em hoàn toàn đồng ý với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, coi chuyện này là lẽ đương nhiên. Hỏi về bản thân, 16,2% các em thừa nhận mình đã có người yêu. Khi trả lời câu hỏi gián tiếp về các bạn của mình có tới 76,7% các em nói rằng, một số bạn của họ đã có người yêu. Như vậy, chuyện yêu đương khá phổ biến trong độ tuổi học sinh THPT và VTN hiện nay.

“ ...Ở lớp em có hiện tượng nhiều bạn yêu nhau, có nhiều bạn khác chưa hẳn đã thích nhau nhưng thấy thế cũng có bạn khác giới. Chúng em cho đó là chuyện riêng của bạn mình và cũng là chuyện bình thường... Lớp trưởng lớp 12 Trường THPT An Dương – Hải Phòng”.

“... Bản thân em chưa có người yêu nhưng em nghĩ, có người yêu cũng thích. Thấy các bạn ríu rít với nhau trong lớp, đi học ... em cũng muốn có người yêu. Chỉ tiếc là chả ai để ý đến em, hay em là cán bộ lớp, phải nghiêm ... Lớp trưởng lớp 11 Trường THPT Thanh Bình - Đồng Tháp”.

“ ... Các em học sinh bây giờ lớn nhanh và chúng cũng khác, bạo dạn hơn so với thế hệ mình. Chúng tôi là giáo viên dạy trên lớp nhưng khi thấy các em ngồi cạnh nhau còn cấu chí, thậm chí hôn nhau ... đành phải quay mặt đi vờ như không biết hoặc chỉ nhắc nhở là chú ý đến học hành. Đôi khi bản thân mình còn thấy ngượng, còn các em thì mặc kệ ..., Cô giáo Trường THPT An Dương – Hải Phòng”.

Có 27,2% các em được hỏi đã trả lời rằng, bạn của họ đã có QHTD, trong đó các em đang đi học chiếm 27,6%, các em thôi học chiếm 24,7%. 52,15% các em trả lời là bạn của họ đã sử dụng biện pháp tránh thai khi QHTD. Như vậy, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn ở độ tuổi học sinh THPT và VTN sẽ rất cao.

Kết quả khảo sát cho thấy, quan niệm về QHTD của học sinh và VTN hiện nay không còn khắt khe như trước đây. Nếu hai người yêu nhau là có thể QHTD với nhau, tại sao lại không được nhỉ? – nhiều em quan niệm như vậy.

“ ... Theo em nếu hai người xác định đi đến hôn nhân thì họ có thể QHTD với nhau trước khi cưới ... tuy nhiên, khi họ chưa cưới nhau mà QHTD thì có thể dẫn tới có thai và khi đó họ mắng mỏ lẫn nhau rồi có thể không cưới nhau nữa ...” (Em N – học sinh lớp 11 Trần Cao Vân – Quảng Nam).

“ ... Em nghĩ là QHTD trước khi cưới vẫn có thể được nhưng phải đảm bảo là sau khi QHTD thì hai người phải kết hôn với nhau ...” (Em Th học sinh lớp 11 Trần Cao Vân – Quảng Nam).

“ ... Em nghĩ rằng, vẫn có thể QHTD miễn là đừng có thai. Em đã đọc trong một bài báo của một bác sĩ nói rằng “thường thường nam giới hay đòi hỏi. Nếu nữ giới không muốn thì kiên quyết từ chối, nhưng khi thực sự muốn thì đừng giấu mà nên hỏi thẳng bạn mình xem có biện pháp tránh thai chưa? Trước khi cưới vẫn có thể được nhưng phải bảo đảm là sau khi QHTD thì hai người phải kết hôn với nhau ...” (Em T – học sinh lớp 12 học sinh Trường THPT Ngô Quyền – Hải Phòng).

Ở cái tuổi đầy bồng bột lại sống phụ thuộc vào bố mẹ như các em thì việc “xác định đi đến hôn nhân” hay “ đảm bảo là sau khi QHTD thì hai người phải kết hôn với nhau ...” là điều không chắc chắn.

Vậy động cơ nào dẫn đến việc QHTD sớm và có dấu hiệu bừa bãi trong học sinh THPT và VTN hiện nay? Tìm hiểu toàn cảnh của các em, 89,8% số người được hỏi đã trả lời là bạn thân đã có QHTD rồi, cho biết: Hầu hết các QHTD đều trên tinh thần tự nguyện từ hai phía, số bị ép buộc cưỡng bức không nhiều (5,8%).

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các bậc phụ huynh thường quan tâm đến việc học tập của con cái (83,8%), lo lắng con mình bị mắc vào các tệ nạn xã hội (43,2%) và các mối quan hệ bạn bè của con cái (42,4%)... Riêng mối quan tâm đến chuyện yêu đương sớm của con cái (24,6%) và chuyện QHTD sớm của con cái chỉ có 19,4% những người được hỏi là tỏ ý quan tâm. Như vậy các bậc phụ huynh chỉ quan tâm chủ yếu đến việc học hành của con cái, những chuyện khác nhất là SKSS thường ít được quan tâm. Em Tr học sinh lớp 11 trường THPT tỉnh Đồng Nai tâm sự: “Bố mẹ cháu rất bận, cháu ít khi tâm sự với bố mẹ về vấn đề này (SKSS) mà chủ yếu là cháu tâm sự trò chuyện với bạn thân...”. Em S, học sinh lớp 10 trường THPT tỉnh Lao Cai cũng có tâm sự tương tự như vậy: “...Cháu thường trao đổi vấn đề đó với bạn bè nhưng là bạn bè thân nhất của cháu, còn với bố mẹ, cháu không trao đổi...”

Nguyên nhân dẫn đến yêu sớm và QHTD sớm trong lứa tuổi HS chủ yếu do ảnh hưởng tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường, do sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, do ảnh hưởng từ bạn bè, trong đó, sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Vấn đề GD SKSS trong trường phổ thông hiện nay

Những năm gần đây, GD dân số và SKSS trong nhà trường đã được Bộ GD&ĐT quan tâm đặc biệt. Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các đề án thực nghiệm GD dân số mang các mã hiệu VIE/88/P09, VIE/88/P10, với nội dung GD dân số nói chung, trong đó có GD giới tính đã được triển khai trong các trường THCS, THPT và đã thu được những thành công nhất định. Kết quả thực nghiệm của những công trình này đã tạo ra tiền đề và điều kiện thuận lợi để ngành GD tiến hành đại trà GD dân số, sức khoẻ sinh sản (DS/SKSS) cho mọi nhà trường, cấp học, ngành học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng với Công đoàn GD Việt Nam đã ra các chỉ thị liên tịch gửi đến mọi nhà trường trong ngành, yêu cầu phải coi công tác GD DS/SKSS cho học sinh, kế hoạch hoá gia đình cho giáo viên như một thành tố quan trọng của quá trình đào tạo.

Trong 3 năm từ 2001-2003, tiểu dự án GD dân số đã tiến hành tập huấn cho 284 giảng viên cấp tỉnh của 53 tỉnh, thành phố, tập huấn cho 1010 cán bộ quản lý các trường THPT về chủ đề: “Nội dung, phương pháp huấn luyện của GV trường THPT để giảng dạy những chủ đề nhạy cảm trong GD DS/SKSS vị thành niên” và 34 cán bộ quản lý các sở GD&ĐT về chủ đề: “Nâng cao năng lực quản lý chương trình GD DS/SKSS vị thành niên”. Việc GD DS/SKSS đã được ngành GD nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy từ nhiều năm nay. Chương trình đã kết hợp GD giới tính với GD đời sống gia đình và SKSS vị thành niên và coi đó là nội dung chủ đạo trong công tác tuyên truyền. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khoá với chủ đề về GD SKSS cho học sinh, trang bị cho các em những kiến thức hết sức cần thiết về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì chương trình GD DS/SKSS trong nhà trường ở nước ta mới chỉ là hình thức lồng ghép, manh mún, nhỏ lẻ. Thậm chí có nhiều ý kiến cực đoan cho rằng, đó là những “khoảng trống” trong GD ở nước ta. Nghiên cứu hệ thống SGK, chúng tôi nhận thấy chỉ có 16 tiết trong các môn sinh học, địa lý và giáo dục công dân trong chương trình THPT là được lồng ghép chương trình GD DS/SKSS. Vậy mà theo nhận xét của một số giáo viên thì chương trình GD SKSS trong nhà trường được soạn thảo cách đây 15 năm với nội dung chủ yếu là kế hoạch hoá gia đình đã không còn phù hợp nữa.

Việc triển khai chương trình GD DS/SKSS trong nhà trường gặp không ít khó khăn, đó chính là sự nhận thức, thái độ, hành vi của những người trong cuộc còn khá mơ hồ, dư luận xã hội chưa ủng hộ cao, giáo viên chưa được trang bị đầy đủ cả về kiến thức lẫn phương tiện giảng dạy. Có giáo viên còn coi việc GD SKSS cho học sinh là “vẽ đường cho hươu chạy” Ngoài ra, kinh phí dành cho GD SKSS còn hạn chế, chúng ta phải dựa vào nguồn tài trợ của quốc tế nên chưa chủ động.

Giải pháp nào cho GD SKSS trong nhà trường ở Việt Nam?

Cần phải xác định Chương trình thông tin, GD DS/SKSS là một trong những Chương trình cấp quốc gia, phải bố trí nguồn lực và kinh phí cho phù hợp để không bị phụ thuộc vào các nhà tài trợ nước ngoài.

Xây dựng chương trình GD SKSS mới, phù hợp với tâm sinh lý của các em học sinh hiện nay.

Bộ GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như UB Dân số, gia đình và trẻ em, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các cơ quan Dân, Chính, Đảng ở các địa phương.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho GV đảm trách chương trình GD SKSS.

Kết hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội tạo thành thế “chân kiềng” trong hệ thống giáo dục trẻ vị thành niên. Yếu tố gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục trẻ VTN. Chính vì vậy mà các bậc phụ huynh phải hết sức quan tâm đến đời sống tâm sinh lý của các em, tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được các em trước những cám dỗ của cuộc sống hiện đại. Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, là người quyết định vận mệnh của cả dân tộc, chính vì vậy, việc trang bị cho các em kỹ năng sống để các em có đầy đủ bản lĩnh trước lối sống không lành mạnh của xã hội hiện đại là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Theo GD dân số, SKSS và KHHGĐ cho học sinh THPT và VTN