(VietNamNet) - Không ít trường hợp là SV biến thành phạm nhân giết người với l‎ý‎ do: vì tình. Điều tưởng như vô l‎‎ý này được lý giải: Họ thiếu văn hoá tình yêu, thiếu văn hoá sống, văn hoá làm người và sức chịu đựng quá kém.

Bi kịch sau những cuộc chia tay

Giữa Tuấn Anh (sinh năm 1983, Đồng Nai) và Ái Liên (sinh 1984, Đồng Nai) từng có một mối tình đẹp, từng cắt tóc trao nhau, thề non hẹn biển, cùng học Đại học Kinh tế TP.HCM. Với Ái Liên, trong bức thư tình cô gửi cho Tuấn Anh có nhắn nhủ: “Anh ráng học cho giỏi vì anh là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho em”. Ngược lại tấm chân tình đó, khi hai người gây gổ cãi cọ, Tuấn Anh đã thuê phòng “sống thử” với một cô gái khác.


Tình yêu không có định hướng sẽ dễ rơi vào bi kịch - Ảnh minh hoạ
Khi chán chê, Tuấn Anh nghĩ đến “tình xưa nghĩa cũ”, quay lại thì Liên đã không chấp nhận. Ái Liên liền nhận được bức thư với lời lẽ hăm doạ từ Tuấn Anh “Anh thề với lòng từ lâu anh sẽ giết em”.

Một lần, qua chỗ trọ của Tuấn Anh, Liên gặp “vợ hờ” của Tuấn Anh ở đó, hai người lại cãi cọ. Tức giận vì bị ghen, Tuấn Anh đã dùng dao đâm vào lưng Liên làm cô chảy máu. Tối hôm đó, Liên ngủ lại nhà Tuấn Anh.

Ngày sau, hai người tiếp tục cãi cọ, Tuấn Anh mua thuốc ngủ, thách Liên uống. Liên uống 6 viên Lexumil nhưng khoảng 1 giờ lại thức dậy, đòi về. Tuấn Anh cản lại, cầm dao đâm vào bụng Liên. Máu ra nhiều, Ái Liên ngất xỉu nhưng 20 phút sau đó Tuấn Anh mới gọi xe đi cấp cứu, Liên đã chết trên đường đến bệnh viện.

Cũng do mâu thuẫn tình cảm sau khi chia tay, Nguyễn Đào An Hạ (sinh năm 1983, tạm trú tại phường Linh Chiểu, Thủ Đức) cũng bị người yêu ra tay sát hại. Cô là sinh viên năm cuối Khoa sơn dầu Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, bạn trai cô là cựu sinh viên, học cùng trường, hai người gắn bó đã gần 5 năm.

Khi biết An Hạ có mối quan hệ với một sinh viên khác, Nguyễn Thế Năng, bạn trai cô đã ghen tuông. Sau nhiều lần ghen tuông, một dịp đi đám cưới cùng nhau về, Năng tiếp tục đi nhậu rồi về ra tay sát hại bạn gái ngay tại nhà trọ ở Thủ Đức. Sau khi ra tay sát hại người yêu, Năng gọi điện thoại thông báo cho bạn trai mới của Hạ rằng mình đã giết Hạ và đi đầu thú.

Gần đây nhất, 22/11/2006, Phạm Hoài Quốc – cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa chở bạn gái (hiện là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đi chơi lần cuối, trước đó cô đã nói lời chia tay với anh. Không chấp nhận chia tay, tức giận, Quốc đã chở bạn gái tới bãi đất trống, vắng người sát hại cô ngay tại đó.

Sau khi dùng dây siết cổ người yêu đến chết, Quốc đẩy cô xuống mương nước gần bãi đất và tự kết liễu đời mình.

Việc tự vẫn của Quốc được người dân đi ngang phát hiện, kịp thời đưa vào bệnh viện An Bình cấp cứu kịp thời.

Bài học cảnh tỉnh đắt giá

Sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM ai cũng biết câu chuyện tình bi kịch của Tuấn Anh và Ái Liên. Họ xem đó là bài học cảnh tỉnh, đắt giá với kết quả: người con gái bị bạn trai sát hại. Người con trai chịu mức hình phạt cao nhất trong tội danh giết người – tử hình.

Tuấn Anh đã cầu xin ba, mẹ và gia đình Liên tha thứ cho lỗi lầm của mình. Tất cả quá muộn, tương lai của đôi bạn sinh viên không còn. Cả hai gia đình vĩnh viễn mất đi những đứa con họ tự hào, yêu qu‎‎ý.

Trong phiên toà xử phạt Tuấn Anh, cha của nạn nhân bị lên máu không thể đứng dậy, còn mẹ của bị cáo thì ngất xỉu nhiều lần. Bà mẹ lịm đi khi biết con mình lĩnh án tử hình và không trông thấy mặt con khi áp giải về trại giam.


Các bạn trẻ cần trang bị nhiều hơn văn hoá yêu, văn hoá sống... (ảnh minh hoạ)
Cái chết của An Hạ thì khiến người quen, bè bạn của cô không khỏi tiếc nuối và bàng hoàng. Vì lúc còn sống, An Hạ là người cởi mở, năng động, hoà đồng với mọi người, trong sáng tạo cô là hoạ sĩ trẻ có cá tính.

Thanh Hoàng (sinh viên ĐH Mỹ Thuật) khẳng định: Đúng là sinh viên Mỹ Thuật vẫn thường có những hành động bộc lộ tính cách mạnh, nhưng hành xử theo cách giết bạn gái khi bị phản bội hay vì bất cứ điều gì thì không thể chấp nhận hay có lời bào chữa nào nổi. Đó là do nhân cách họ xuống dốc thảm hại. Là sinh viên, tôi thấy xấu hổ khi có những người có hành vi thiếu tính người như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Tâm l‎í Vũ Gia Hiền cho biết, trong rất nhiều thư gửi đến xin tư vấn tâm lí, rất nhiều người cho biết họ rơi vào tình trạng bế tắc trong tình yêu. Trong hoàn cảnh ấy rất dễ nghĩ đến chuyện giải quyết bằng cái chết nếu các bạn trẻ không trang bị đủ cho mình văn hoá sống, văn hoá tình yêu đúng mực.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, tình yêu chỉ là bậc thang đầu tiên, là quá trình tìm hiểu lẫn nhau, sau đó hôn nhân mới là bậc thang kế tiếp, đòi hỏi trách nhiệm lẫn nhau. Nhưng nhiều bạn trẻ lại không hiểu, cho rằng tình yêu là tất cả, phải ràng buộc nhau và kết thúc tình yêu là kết thúc tất cả.

Một số bộ phận giới trẻ hiện nay đang có lối sống gấp, sống không định hướng. Điều này do họ tiếp nhận nhiều luồng văn hoá bề nổi, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, văn hoá phẩm độc hại với những phim ảnh độc hại, đồi truỵ đến tay SV quá dễ dàng. Điều này đẩy giới trẻ đến mất khả năng định hướng, xử lí thông tin chính xác.

Những điều này, cộng với tính cách nam giới vẫn nhiều sĩ diện, nóng nảy, người nữ khi không có cách cư xử khéo léo, thậm chí có khi còn “đổ thêm dầu vào lửa” rất dễ xảy ra bi kịch.

Để tránh những bi kịch mất nhân tính lẽ ra không thể có trong giới trẻ - sinh viên, cần có nhiều chương trình hướng nhiều đến văn hoá tình yêu, văn hoá tinh thần, và quan trọng, bạn trẻ vào đời cần được dạy, cần học chữ “nhẫn” – là điều ông bà ta vốn rất chú trọng nhưng bây giờ lại rất thiếu.

Thu Hương