"Thuê một cơ quan kiểm định độc lập kiểm định chất lượng các trường ĐH và công bố kết quả đó cho xã hội biết. Căn cứ vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ xếp hạng các trường theo các mức chất lượng khác nhau", Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết chiều 25/11.


SV ĐHQG TP.HCM với mẫu văn bằng của ĐH.
Cùng với đó, sẽ công bố tiêu chí chất lượng ĐH để có quyền mở ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, lập trường đại học mới (ví dụ phải có giảng viên có trình độ tiến sĩ để làm các trưởng khoa, có đủ số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư để lập hội đồng đào tạo…).

Những trường không thỏa mãn các tiêu chí trên, sau một thời gian nhất định, sẽ phải chấm dứt đào tạo ở các chuyên ngành liên quan hoặc phải đóng cửa trường ĐH.

Đây là một trong những việc mà Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành nhằm thực hiện chủ trương tự chủ hóa cho các trường ĐH.

Chủ trương này là một trong 8 nội dung mà Bộ GD-ĐT vừa hoàn tất ngày 24/11 trong báo cáo giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chủ trương tự chủ hóa cho các trường ĐH sẽ thực hiện theo 7 đổi mới liên quan đến quản lý ĐH, đi đôi với thực hiện 6 nghĩa vụ.

Theo đó, các trường sẽ tự chủ cấp bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; tự quyết định số lượng tuyển sinh theo tiêu chí chất lượng đào tạo của Bộ; tự tổ chức tuyển sinh dựa vào kết quả thi trung học phổ thông; tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo nhu cầu. Đồng thời, thực hiện theo các uy định mới về mở trường ĐH nước ngoài ở Việt Nam và liên kết đào tạo của các trường ĐH Việt Nam với ĐH nước ngoài, cơ chế học phí mới; cơ chế mới về quản lý tài chính đối với việc dùng vốn ngân sách nhà nước.

Cùng với những quyền này, trường ĐH phải có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chí chất lượng; kiểm định chất lượng do một cơ quan độc lập thực hiện; kiểm toán theo quy định và công bố kết quả; thông báo cam kết chất lượng kèm theo công bố học phí; xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung; phát triển phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường ĐH.

"Những việc cần làm ngay" năm 2007

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ GD-ĐT đang xắn tay thực hiện hàng loạt "đầu việc" để thực hiện chủ trương này.

Đề án học phí ĐH và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2020 sẽ trình Chính phủ cuối tháng 12 năm nay.

Trước ngày 1/1/2007, hoàn tất dự thảo Nghị định liên quan đến mở cơ sở đào tạo ĐH của nước ngoài ở Việt Nam và liên kết đào tạo của các ĐH Việt Nam với các ĐH nước ngoài.

Đến tháng 3/2007, chuẩn bị xong đề án tài chính ĐH Việt Nam, trong đó xác định các nguyên tắc chi ngân sách cho giáo dục ĐH và thẩm quyền quyết định các cấp về chi ngân sách này.

Từ năm học 2007-2008, các ĐH tự thiết kế và in bằng, cấp bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, sau khi mẫu đã được Bộ duyệt theo các tiêu chí công bố trước.

Trên cơ sở tiêu chí về chất lượng ĐH, Bộ sẽ công bố nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của các trường để trường tự quyết định số SV tuyển mới nằm trong giới hạn cho phép.

Các trường có đủ đội ngũ cán bộ có trình độ GS, PGS, tiến sĩ thực hiện bổ nhiệm chức danh này theo nhu cầu của mình.

Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xây dựng các chương trình khung cho tất cả các ngành đào tạo và định kỳ xem xét, cập nhật các chương trình khung làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng đào tạo bậc ĐH trong cả nước (khoảng 50% nội dung của chương trình khung các ngành học do Bộ quy định).

Một nội dung khác dự kiến hoàn thành trước năm 2009 là tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc, không tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Căn cứ vào điểm sàn của thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập các năm, điểm thi tốt nghiệp THPT của HS, trường tự xét tuyển sinh theo nhu cầu của riêng mình.

Hạ Anh

Bài liên quan:

Tự chủ ĐH "đánh đổi" bằng trách nhiệm xã hội

Khi Việt Nam tham gia WTO, nếu tình trạng tự chủ ĐH như hiện nay, sẽ xảy ra nghịch lý: các trường ĐH mất bình đẳng ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, thực thi tự chủ ĐH, "quyền tự chủ lớn hơn phải được “đánh đổi” bằng trách nhiệm xã hội nhiều hơn”. GS Phạm Phụ bày tỏ.

"Khoán 10" cho giáo dục ĐH

Trong bối cảnh mô hình ĐH truyền thống đang trở nên lỗi thời và đang được thay thế bằng mô hình ĐH mới, khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, việc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường ĐH là biện pháp hữu hiệu nhất để phát triển giáo dục ĐH. GS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã đề nghị như vậy.

"Thiếu tự chủ, ĐH tự đánh mất mình"

"Thiếu quyền tự chủ và trách nhiệm với chính mình và với xã hội cũng có nghĩa, đại học đã tự đánh mất mình. PGS. Đào Công Tiến (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận xét.

ĐHQG Hà Nội với "đặc quyền" tự chủ

ĐHQG Hà Nội là cơ sở ĐH được hưởng quy chế riêng, có nhiều hành lang pháp lý cho việc thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục ĐH. Giám đốc Đào Trọng Thi cho biết.

"Cần thực hiện ngay tự chủ tài chính!"

Theo ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, "đã đến lúc các trường cần tự chủ, đặc biệt là các trường công lập. Lâu nay, do ảnh hưởng bởi chế độ bao cấp, hầu hết mọi việc Nhà nước đều làm thay, trường chưa có sự chủ động trong hoạt động của mình".



Tự chủ ĐH- 6 tầm ngắn hạn, 4 tầm xa


TS Hoàng Ngọc Vinh (Hà Nội) đề xuất, cần sớm triển khai 6 công việc trong tầm ngắn hạn và 4 công việc tầm xa để tăng dần quyền tự chủ cho các trường, xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.